Để 'tín dụng đen' không còn đất sống

Công an TP HCM vừa phát đi thông điệp tuyên chiến với các băng nhóm đòi nợ thuê vào ngày đầu tiên của tháng này.

Hình minh họa

Theo đó, có 600 “anh chị” đã lọt vào “tầm ngắm” của lực lượng thực thi pháp luật. Cần phải có những hành động như vậy trước sự lũng đoạn xã hội, gây mất an ninh trật tự và hành xử côn đồ đối với người dân lương thiện của nhóm người lập ra “tín dụng đen” và hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Những ngày cuối tháng 10, Bình Thuận đã bắt 2 nhóm đòi nợ thuê gồm 10 người và TP HCM bắt một nhóm 6 người đòi nợ thuê từ Vĩnh Phúc vào hoạt động tại địa phương này.

Đáng chú ý nhất là các băng nhóm hoạt động có tổ chức, đầy đủ các “ban bệ” từ truyền thông, quảng cáo, phát tờ rơi đến hình thức công nghệ “4.0”, có cả “tư vấn pháp lý” để cho vay với lãi suất cắt cổ một cách hết sức dễ dàng, thuận tiện, gài bẫy đưa con nợ vào tròng và sau đó “lực lượng” đòi nợ mới ra tay bằng đủ cách thức khủng bố, đe dọa, tra tấn,... không chỉ đối với con nợ mà cả những thân nhân của họ.

Như vậy, đâu phải là đòi nợ thuê nữa mà là sự gài bẫy và chiếm đoạt, bọn đòi nợ bằng hình thức đó là cung cấp tài chính để cả băng nhóm hoạt động và chia chác chứ có phải ai thuê đâu. Tổ chức này thường núp dưới danh nghĩa tiệm cầm đồ hay cho thuê ô tô,... để né pháp luật.

Rõ ràng như thế để phân biệt với một hình thức đòi nợ thuê khác hoạt động hợp pháp, có “môn bài” hẳn hoi. Đó là các công ty, doanh nghiệp đòi nợ thuê được chính quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này. Chỉ tính trong năm 2017, tại TP HCM đã có 65 doanh nghiệp được chính quyền cấp phép đòi nợ thuê.

Tuy nhiên, hoạt động đòi nợ thuê cho dù hợp pháp vẫn có những biểu hiện biến tướng và thực hành theo kiểu xã hội đen gây nên những hình ảnh xấu xí cho xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân. Vì thế, chính quyền TP HCM từng đề nghị cấm hẳn dịch vụ đòi nợ thuê là có những cơ sở cho ý tưởng đúng đắn này.

Đã coi sự vay mượn là hành vi dân sự thì khi xảy ra xung đột đã có hệ thống tư pháp giải quyết theo pháp luật bằng con đường kiện ra tòa án, nếu có sự lừa đảo trong vay mượn thì xử lý theo luật hình sự, hà cớ gì giao một quan hệ xã hội vào tay một lực lượng khác để điều chỉnh?

Giải quyết căn cơ vấn đề này là tạo ra môi trường để “tín dụng đen” không còn đất sống. Đó là việc vay tiền ngân hàng dễ dàng, không phải qua trung gian cũng như các thủ tục phiền phức, nếu có “nợ xấu” gây ra bởi các nạn nhân của “tín dụng đen” kia cũng không thấm thoát là gì nếu so với số tiền mà tội phạm “cổ cồn trắng” chiếm đoạt. Và trước hết, cần cảnh báo đến tất cả các người dân để họ đừng sập bẫy “tín dụng đen”.

Khánh An

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/de-tin-dung-den-khong-con-dat-song-d81755.html