Để tiếp tục cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ học tiếng Anh

Khơi dậy môi trường để mọi người đều thích học tiếng Anh - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh như vâỵtại tọa đàm về 'Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - đặcbiệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân' do Bộ Giáo dục và Đàotạo (GDĐT) vừa tổ chức với mong muốn quyết tâm cải thiện thứ hạng của Việt Namtrên bản đồ học tiếng Anh của thế giới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt quyết tâm cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ học tiếng Anh thế giới. Ảnh: TL

Tránh tình trạng học đối phó, vì bằng cấp, chứng chỉ

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng “Trung bình” trên Bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu (EPI) và xếp ở vị trí thứ 7 trong tổng số 21 quốc gia châu Á tham gia khảo sát. Điều này cho thấy mức tăng trưởng rõ rệt qua từng năm khi giai đoạn từ 2011-2015, Việt Nam đã đi từ mức “Rất thấp” tới “Thấp” và giữ mức độ “Trung bình” từ năm 2016.

Bà Cao Phương Hà - Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) tại Việt Nam cho biết điều này chứng minh việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể, cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.

Để phát huy hơn nữa khả năng dạy và học tiếng Anh, các chuyên gia thống nhất rằng, giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nên việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu về chất lượng và đảm bảo đủ số lượng là cần thiết. Bên cạnh đó, để cải tiến chương trình học hiện nay, cần gắn việc dạy ngoại ngữ với các môn học khác để tạo hứng thú cho học sinh.

Còn bà Bùi Hiền Thục - Giám đốc Công ty Giáo dục Việt Úc cho rằng việc dạy ngoại ngữ cần gắn với các môn học, môn chuyên ngành nhằm tạo hứng thú và hiệu quả học tập cho học sinh. Bà cũng đề xuất mô hình dạy Tiếng Anh - Toán, Tiếng Anh - Thể dục - Âm nhạc hiệu quả hiện đang được áp dụng tại một số trường phổ thông.

Về ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ - Giám đốc BU Giáo dục Viettel Phạm Thị Ngọc Lan đề xuất trong Cuộc cách mạng 4.0, cần thiết phải xây dựng hệ thống chương trình và học liệu dạy tiếng Anh trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho người học có cơ hội học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi và bằng mọi phương tiện.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Tổng Giám đốc Egroup cho rằng để tăng cơ hội sử dụng ngoại ngữ, cần xây dựng mạng xã hội, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, các chương trình dạy - học tiếng Anh trực tuyến, kết hợp ứng dụng công nghệ điện thoại thông minh.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc dạy và học ngoại ngữ cần phải thiết thực, ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, tránh tình trạng học đối phó, học vì bằng cấp, chứng chỉ. Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ.

Nên có trung tâm khảo thí độc lập

Để dạy và học tiếng Anh có thể phát triển ngay trong trường học, PGS.TS Phan Quang Thế - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho rằng cần thiết nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc triển khai dạy và học nghiêm túc, hiệu quả.

Ông Thế đề xuất việc dạy và học ngoại ngữ phải theo kiểu “Diệt giặc dốt” thông qua phong trào “Bình dân học vụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945. Cùng với đó, phải dùng chuẩn tiếng Anh quốc tế và mạnh dạn sử dụng các cơ sở đại diện quốc tế để đánh giá tiếng Anh cho cả giảng viên và sinh viên.

Ghi nhận các ý kiến trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau nên cần đa dạng hóa các mô hình giảng dạy theo hướng, các trường phổ thông dạy nội dung cơ bản, mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Bộ GDĐT cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Giáo viên phải được chuẩn hóa, bồi dưỡng đào tạo theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học. Đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên bằng công nghệ, giảm cách bồi dưỡng truyền thống không thiết thực. Đồng thời tăng cường xã hội hóa, tạo động lực cho giáo viên tự học để nâng cao kiến thức.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.

“Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả. Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức công nghệ thông tin vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, công nghệ thông tin mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

TUỆ NHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-tiep-tuc-cai-thien-thu-hang-cua-viet-nam-tren-ban-do-hoc-tieng-anh-645798.ldo