Để tiếng Việt dễ học

Suốt 1/4 thế kỷ, giáo trình Tiếng Việt dễ học đã gắn bó với người học tiếng Việt ở Pháp. Đúng với tiêu chí 'dễ học', 'tự học' của Nhà xuất bản Assimil (Paris), người học chỉ cần chú ý, chuyên cần trong vài tháng là có thể tiếp thu được vốn từ vựng tương đối và những quy tắc ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt.

Ấn bản giáo trình Tiếng Việt dễ học năm 2019

Ấn bản giáo trình Tiếng Việt dễ học năm 2019

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng 2 tác giả Đỗ Thế Dũng và Lê Thanh Thủy đã tìm cách giải thích đơn giản nhất, hài hước nhất, đặt người học vào 92 tình huống và bài học giao tiếp để giúp họ hình dung ra được thực tế cuộc sống thường nhật ở Việt Nam.

Năm 2019, nội dung giáo trình được biên tập lại gần như hoàn toàn để phù hợp với thực tế xã hội. Trao đổi với Đài RFI, ông Đỗ Thế Dũng cho hay, khoảng cách giữa 2 lần phát hành giáo trình Tiếng Việt dễ học là 25 năm (1994 - 2019), một khoảng thời gian rất dài. Do đó, đời sống xã hội hay ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều thay đổi. Giáo trình vì thế cũng phải thay đổi để phù hợp hơn, hay nói cách khác, ấn bản 2019 đã được cập nhật so với năm 1994. Một vấn đề khó khăn khi biên soạn giáo trình Tiếng Việt dễ học, là phần giải thích bằng tiếng Pháp. “Đây là một ấn bản dùng cho người biết tiếng Pháp, người nói tiếng Pháp muốn học tiếng Việt nên khi giải thích một từ, ví dụ như một từ láy ở trong tiếng Việt, để cho người Pháp bình thường hiểu được là một vấn đề không dễ”, ông Đỗ Thế Dũng chia sẻ.

Trong giáo trình này, các tác giả đặt mục tiêu để người học tiếng Việt phân biệt được khi nghe người Bắc hoặc người Nam nói. Và khi người học nói, làm sao để cả người Bắc lẫn người Nam đều hiểu. Vì vậy, trong giáo trình, ở phần đọc, 2 tác giả yêu cầu người học phải đọc “chuẩn”. Khái niệm “chuẩn” ở đây tức là những âm đặc thù như “ch”, “tr” hay “r”, “s”, “x” phải đọc chuẩn. Vì thế, trong giáo trình mới, phần thu âm về điểm đó rất kỹ. Ngoài ra, khi thu âm, có một loạt bài đầu, tạm gọi là thu âm theo tiếng “chuẩn”, nhưng rồi sau đó, có các bài thu âm toàn giọng Bắc. Rồi ở cuối giáo trình, có một phần gồm 7 bài lại toàn giọng Nam. Như vậy, khi nghe CD đi kèm theo giáo trình, học viên có thể mường tượng được ra 2 phương ngữ chính là “tiếng Nam” và “tiếng Bắc”.

Về phương ngữ trong tiếng Việt còn có “tiếng Trung” như tiếng Huế, nhưng vì trong không gian hạn hẹp của một quyển sách, khó có thể nói được cả 3 phương ngữ, nên 2 tác giả thống nhất không đưa phần phương ngữ “tiếng Trung” vào giáo trình. Theo ông Dũng, việc người học phân biệt được phương ngữ sẽ giúp họ hành xử trong sinh hoạt hàng ngày một cách dễ dàng hơn khi mà văn hóa giữa các vùng tại Việt Nam có ít nhiều những điểm khác biệt.

Ấn bản giáo trình Tiếng Việt dễ học năm 2019 còn một thay đổi đáng lưu ý là có nhiều bài học về công nghệ, cập nhật xu hướng cuộc sống hiện đại. Năm 1994, xã hội Việt Nam chưa phát triển, hội nhập mạnh mẽ như ngày nay nên các bài học không đề cập tới Internet, điện thoại thông minh hay các mạng xã hội. Tuy nhiên, người học tiếng Việt với giáo trình năm 2019 bắt buộc phải biết cách nói về những phương tiện trên, bởi ở Việt Nam hiện nay công nghệ đã gắn bó mật thiết trong đời sống hàng ngày. Và dường như hơi thở của cuộc sống hiện đại được thấy ngay trong việc xuất bản giáo trình khi nhà xuất bản sử dụng thêm những công cụ như USB, bên cạnh đĩa CD. Chiếc USB nhỏ gọn, tiện lợi có thể giúp người học tiếng Việt một cách dễ dàng, ở mọi lúc, mọi nơi.

THU HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-tieng-viet-de-hoc-622198.html