Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai: Cần điều kiện gì?

Mới đây, trong Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam. Ý tưởng này đã được bàn đến nhiều lần nhưng đến nay nó vẫn chưa được thực hiện trên thực tế.

Để tiếng Anh ở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, cần tạo ra cộng đồng nói tiếng Anh. Ảnh: ST.

Thiếu giải pháp cụ thể

Đánh giá về tầm quan trọng của tiếng Anh, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo công dân toàn cầu. "Xã hội các quốc gia nói tiếng Anh của phương Tây khá phát triển và rất nhiều nguồn tài liệu về khoa học, công nghệ được công bố bằng tiếng Anh. Những người sử dụng tiếng Anh hiệu quả sẽ có cơ hội nâng cao giá trị của bản thân, làm giàu tri thức của mình bằng việc cập nhật tri thức của nhân loại”, ông Vinh đánh giá.

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, bà Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngôn ngữ này phải được dùng thành thạo trong đời thường, trong toàn xã hội.

Thực tế, những quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, phần nhiều đều từng là thuộc địa của Anh, hoặc có một cộng đồng lớn những người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, họ đã từng thường xuyên sử dụng thứ tiếng này trong các hoạt động hành chính, giáo dục… cho nên khi quốc gia đó độc lập có thể biến ngôn ngữ đó như một lợi thế, Singapore là một ví dụ điển hình. Nếu không có người bản ngữ thì việc nói tiếng Anh là rất khó. Đây cũng là lý do dù Việt Nam đã bàn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể đưa vào thực tế, hoặc chỉ được nói đến nhưng vẫn chưa có bất kỳ một chính sách nào.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án 2020 (Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2020) cũng đã từng bàn đến việc sẽ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể và thực tế Đề án chỉ là dạy tiếng Anh trong nhà trường. “Tôi cũng nghĩ rằng đề án này chỉ dừng lại ở mức sử dụng tiếng Anh như một thứ ngoại ngữ mà người học có thể sử dụng thành thạo. Nếu có chính sách coi đây là ngôn ngữ thứ hai thì nó phải được dạy từ rất sớm ở bậc mầm non. Vì sau này, ngoài tiếng mẹ đẻ, người dân có thể chuyển sang một ngôn ngữ khác tương tự, giống như các Việt kiều ở Mỹ, họ nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh hàng ngày. Điều này cần có thời gian dài để tiếp thu, từ đó tạo thành một thói quen”, bà Phương Anh cho biết.

“Chúng ta cần có cộng đồng nói tiếng Anh, nhưng hiện nay tại các thành phố lớn, số giáo viên thực sự thành thạo tiếng Anh cũng không phải là quá nhiều. Do đó việc đặt mục tiêu đến năm 2025, người học có thể sử dụng tiếng Anh một cách độc lập cũng không khả thi trên phạm vi toàn quốc”, bà Vũ Thị Phương Anh chia sẻ.

Bà Vũ Thị Phương Anh cho rằng, tính đến nay đề án ngoại ngữ làm được nhiều thứ, nhưng vẫn chỉ là những yếu tố mang tính điều kiện nền như có giáo trình, giáo viên. Những việc đó làm trong 10 năm không phải quá chậm, song nhìn kết quả thì thấy không thực tế. Nếu mỗi tuần chỉ học vài tiết với các thầy cô giáo trên lớp, thi cử trên giấy thì không thể mong đợi kết quả quá lớn. Hiện cái thiếu lớn nhất là có một cộng đồng nói tiếng Anh.

Cần tạo ra cộng đồng nói tiếng Anh

Theo bà Vũ Thị Phương Anh, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, cần phải tạo ra một cộng đồng sử dụng tiếng Anh tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày và thường xuyên trong cộng đồng.

Để làm được việc này, trước mắt trong các văn bản của Nhà nước, biển quảng cáo, báo chí… cần sử dụng song song cả tiếng Anh và tiếng Việt để hàng ngày người dân va chạm và tiếng xúc với tiếng Anh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng ngôn ngữ này sẽ thu hút được nhiều người nước ngoài vào sinh sống và làm việc ở Việt Nam, từ đó sẽ tăng việc giao tiếp tiếng Anh ở người dân, dần dần sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo ra cộng đồng sử dụng tiếng Anh, cần phải có quá trình lâu dài.

Bên cạnh đó, những nơi có điều kiện nên dành ngân sách vào dạy tiếng Anh từ bậc mầm non, tiểu học nhiều hơn. Đây là giai đoạn quan trọng để phát triển ngôn ngữ và hình thành cho các em nền tảng về tiếng Anh.

Bà Vũ Thị Phương Anh cũng cho rằng, Việt Nam nên học Malaysia, họ có lịch sử là thuộc địa của Anh, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Khi độc lập, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ra quyết định đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của nước này và được dùng để giảng dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên ngay từ bậc tiểu học. Đến năm 2012, Chính phủ Malaysia lại loại bỏ chính sách này, thời gian sau đó, trình độ tiếng Anh của người dân đi xuống và họ lại phải tiếp tục có chính sách để phục hồi. Còn tại Singapore, sau khi độc lập, nước này chưa từng loại bỏ tiếng Anh ra khỏi cuộc sống.

Là người ủng hộ đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cho rằng, để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam cần phải nhận thức rõ những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta. Đó là ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa phải số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. Cần phải xem nó có phù hợp Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-can-dieu-kien-gi.aspx