Để thương hiệu lụa Vạn Phúc không bị trộn lẫn

Lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề Vạn Phúc đã tạo nên ngày hội cho những người dân làng lụa và cả du khách gần xa. Người làng lụa gặp khách đon đả từ sáng tới tối, hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn hẳn ngày thường. Du khách có dịp tham quan những sản phẩm lụa thủ công vốn nổi tiếng từ xưa đến nay, nhận ra những gì đổi khác...

Lấy ý kiến nhân dân về bộ nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội, làng nghề Vạn Phúc Lụa Vạn Phúc - vẻ đẹp bất tận vượt thời gian

Thực tế từ Lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề

Lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề Vạn Phúc năm 2018 là lễ hội được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều này không chỉ thể hiện ở phần lễ được tổ chức quy củ, bài bản hơn mọi năm mà phần hội cũng được thực hiện với nhiều nội dung hấp dẫn. Nhiều tiểu cảnh hoa, lụa trang trí đẹp mắt, trở thành điểm “check in” hấp dẫn của du khách. Các cửa hàng lụa cũng được trang trí lộng lẫy, đẹp mắt bởi đèn lồng và nhiều sản phẩm lụa bày bán.

Lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề Vạn Phúc diễn ra với quy mô lớn, tạo không gian văn hóa trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn bày bán sản phẩm may mặc công nghiệp bằng vải phổ thông nhiều hơn là bằng lụa Vạn Phúc

Lụa Vạn Phúc từ lâu mang vẻ đẹp truyền thống, kiêu sa, quý phái và “kén” người mua. Nhiều mẫu lụa vẫn tôn trọng truyền thống xưa cả về họa tiết và màu sắc. Giá lụa cũng tùy loại, trung bình từ 120.000 đồng/m, loại cao cấp hơn là 250.000 đồng/m. Lụa Vạn Phúc tuy không thay đổi nhiều về mẫu mã, giá cả nhưng không phải là mặt hàng được bán chạy nhất ở làng lụa.

Theo quan sát của phóng viên HNMO, rất nhiều cửa hàng của người dân quản lý vẫn bày bán nhiều sản phẩm may mặc không phải lụa của làng. Nhiều mẫu áo dài được in họa tiết rực rỡ và may đo sẵn kiểu công nghiệp bằng nhiều loại vải phổ thông trên thị trường, bày bán phổ biến với giá dao động từ 300.000 đồng – 500.000 đồng/áo. Áo dài truyền thống được may bằng lụa Vạn Phúc “xịn” có giá khoảng 750.000 – 900.000 đồng/áo. Loại này ít người mua hơn.

Chủ cửa hàng lụa Nhật Phong chia sẻ, việc khách đến làng lụa Vạn Phúc nhưng chọn mua lụa ít hơn là mua những sản phẩm may đo công nghiệp sẵn là thực tế phổ biến. Điều này thể hiện nhu cầu và tâm lý người mua muốn sản phẩm rẻ hơn. Hơn nữa, lụa khá “kén” người mặc, gặp người thật thích, hiểu về lụa mới có thể bán được. Dù vậy, chị chủ cửa hàng khẳng định, khách hàng của lụa Vạn Phúc thường là khách quen nên sản phẩm lụa có đầu ra riêng, do vậy không có sự đột biến về tiêu thụ trong những ngày diễn ra lễ hội.

Nỗ lực bảo vệ thương hiệu

Lụa Vạn Phúc mất một thời gian dài trong việc loay hoay tìm lại thương hiệu, khi mà thị trường trong nước không mặn mà với lụa. Nhiều nhà thiết kế Việt Nam không tìm thấy sự đồng điệu trong việc lên ý tưởng sáng tạo từ sản phẩm lụa Vạn Phúc. Trong một Tuần lễ thời trang Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, NTK Minh Hạnh cũng đưa ra nhận xét về sản phẩm lụa Vạn Phúc với mẫu mã quá cũ, ít thay đổi sẽ khó được các nhà thiết kế trong nước tìm đến. Điều này phần nào khiến lụa Vạn Phúc khó đến tay người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Nam, người có kinh nghiệm nhuộm vải 30 năm ở Vạn Phúc chia sẻ về một mẫu sản phẩm khăn cao cấp được dệt thủ công bằng lụa Vạn Phúc.

Nghệ nhân nhuộm vải Nguyễn Văn Nam, người đã có hơn 30 năm gắn bó với lụa Vạn Phúc và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhuộm vải cho biết, từ nhiều năm nay mẫu mã, kỹ thuật dệt và nhuộm của người thợ làng nghề Vạn Phúc đã được nâng lên. Bên cạnh việc vẫn giữ những mẫu hoa văn truyền thống như hoa cúc, dệt trơn… những mẫu họa tiết hoa nhí đã xuất hiện. Kỹ thuật nhuộm cũng đã thay đổi, nâng cấp để lụa không bị phai màu khi giặt. Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam đã nghiên cứu ra cách nhuộm nhiều màu sắc trên một miếng vải, khi giặt màu không bị loang.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam thừa nhận, với công thức dệt truyền thống, nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc vẫn phải tôn trọng cách làm được truyền từ nhiều đời này, nhiều công đoạn vẫn phải xử lý thủ công thì mới ra “chất” của lụa Vạn Phúc. Cái khó của các sản phẩm truyền thống là thường gây cảm giác quen mắt với người tiêu dùng trong khi nhiều sản phẩm vải nhập dễ mang đến sự tươi mới, giá thành rẻ hơn nên dễ được lòng công chúng hơn. Đến giờ, “đầu ra” cho những sản phẩm lụa Vạn Phúc tuy đã ổn định hơn nhưng chưa có sự đột biến đáng kể.

Công nghệ nhuộm lụa cũng được nâng cấp hơn, cho phép người thợ có thể nhuộm nhiều màu sắc mà không bị loang màu.

Lụa Vạn Phúc đang tiến tới tạo dựng thương hiệu làng nghề vững mạnh của Thủ đô. Người dân làng lụa cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu trong các sản phẩm của mình. Từ hai năm nay, với chủ trương giữ thương hiệu làng nghề, người làng lụa khi dệt vải còn dập hàng chữ cơ sở dệt của Vạn Phúc ở diềm vải để người mua dễ dàng nhận diện thương hiệu, không bị đánh tráo hoặc làm giả.

Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cung đang đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến nhân dân về bộ nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội, làng nghề Vạn Phúc. Sở Du lịch đã phối hợp với đơn vị tư vấn và chuyên gia Pháp hoàn thiện ý tưởng thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề Hà Nội nói chung, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nói riêng và các mẫu sản phẩm lưu niệm làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Sau Lễ hội văn hóa, du lịch làng nghề, UBND phường Vạn Phúc sẽ tiến hành thí điểm tuyến phố đi bộ ở làng Vạn Phúc vào dịp cuối tuần với hy vọng sẽ tạo điểm đến cho người dân và du khách đến tìm hiểu về làng nghề. Đây hẳn là những việc làm có tính “dài hơi” của các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, để Vạn Phúc thực sự trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn, đáng tin cậy, đồng thời để sản phẩm lụa Vạn Phúc hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, người làng lụa không chỉ học cách nâng cấp mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tiếp thị mà còn cần học cả cách bảo vệ thương hiệu làng nghề, chủ động tiếp cận với các cơ sở may mặc uy tín để tìm “đầu ra” cho sản phẩm lụa.

Nếu lụa Vạn Phúc vẫn được bày bán lẫn với vô vàn sản phẩm quần áo may sẵn bằng vải công nghiệp như hiện nay thì vô tình lụa Vạn Phúc sẽ bị giảm đi giá trị đích thực.

Để thương hiệu lụa Vạn Phúc không bị trộn lẫn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/918521/de-thuong-hieu-lua-van-phuc-khong-bi-tron-lan