Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao: Cốt lõi là gần dân để hiểu dân

Bức tranh nông nghiệp, nông thôn với chủ thể là người nông dân trong những năm qua, nhất là năm 2018, thêm nhiều điểm sáng với những gam màu rạng rỡ...

Ảnh minh họa

Bức tranh nông nghiệp, nông thôn với chủ thể là người nông dân trong những năm qua, nhất là năm 2018, thêm nhiều điểm sáng với những gam màu rạng rỡ, mô hình mới với cách làm sáng tạo trên cơ sở liên kết hài hòa lợi ích xuất hiện ngày càng nhiều trên hầu khắp các lĩnh vực của nông nghiệp.

Qua bức tranh tươi sáng, chúng ta có thể thấy hướng đi tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực nói riêng cơ bản đúng định hướng. Thứ hai, sự vào cuộc sâu sát, chặt chẽ, quyết liệt thông suốt từ Bộ xuống các địa phương, từ đồng chí Bộ trưởng đến đội ngũ cán bộ các cấp. Thứ ba, công tác dự báo thị trường, tiếp cận thị trường sát thực tế hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, sản xuất bước đầu đã theo tín hiệu thị trường. Thứ tư, xây dựng thương hiệu, quảng bá nhãn hiệu được các cơ quan chuyên môn, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân quan tâm nhiều hơn. Thứ năm, bản thân người sản xuất - nông dân cũng đã từng bước thấy rõ hơn lợi ích của liên kết theo chuỗi, sản xuất theo quy trình an toàn, thực hiện theo quy hoạch được cơ quan chuyên môn xây dựng. Thứ bảy, vai trò của công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến và công nghệ cao được phát huy.

Thứ tám, điều không thể không nhắc tới là, nhiều thể chế quan trọng cho ngành nông nghiệp được Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, ban hành. Và thứ chín, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình cắt giảm 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50%), vừa đúng với yêu cầu của Chính phủ vừa phù hợp với mong muốn của người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD (trồng trọt xuất khẩu tối thiểu 20,5 tỷ USD, thủy sản xuất khẩu 10,5 tỷ USD, lâm nghiệp xuât khẩu 10,5 tỷ USD); và nhiệm vụ trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Là những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 được tổ chức ngay sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019.

Mặc dù đạt những mốc son nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đang đứng trước ba thách thức lớn: Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng cực đoan; sản xuất nhỏ lẻ khiến hiệu quả và khả năng cạnh tranh thấp; diễn biến thị trường khó lường, nhất là rào cản thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ và yêu cầu chất lượng rất cao được nhiều nước áp dụng.

Hiểu rõ những khó khăn, thách thức của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý các 4 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu này. Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu. Thứ 2 là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương. Thứ 3 là làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra… Thứ 4, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, theo người viết thì điều Thủ tướng yêu cầu: Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. “Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp” là cốt lõi của vấn đề.

Nói vậy, vì “cán bộ nào phong trào nấy”. Cán bộ có gần dân, sát dân, biết lắng nghe để hiểu và nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới có giải pháp đúng định hướng, trúng lòng Dân. Có vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Rất mong mọi cán bộ, công chức, viên chức chứ không riêng ngành nông nghiệp thực hiện tốt nhất yêu cầu của Thủ tướng. Bởi khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân cùng chung một ý chí thì không có khó khăn, thách thức nào là không thể vượt qua.

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-thuc-hien-nhiem-vu-thu-tuong-giao-cot-loi-la-gan-dan-de-hieu-dan-post25114.html