Để thuận tiện hơn trong xử phạt vi phạm hành chính

Hiện nay, có một số quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với các hành vi như: ép buộc người khác uống rượu bia; sử dụng người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; ăn mặc phản cảm ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng… đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Hiện rất khó xử phạt đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia vì đa phần những người ngồi nhậu đều là bạn bè, người thân hoặc có quen biết. Trong ảnh: Khách uống bia tại một quán ăn ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Kim Liễu

Hiện rất khó xử phạt đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia vì đa phần những người ngồi nhậu đều là bạn bè, người thân hoặc có quen biết. Trong ảnh: Khách uống bia tại một quán ăn ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Kim Liễu

Dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về các chế tài xử lý đối với các hành vi nói trên nhưng việc áp dụng vào thực tiễn gặp nhiều vướng mắc, cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

* Khó giám sát, xử phạt

Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 117) quy định xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống, rượu, bia; phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia… Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, việc xác định hành vi vi phạm ở đây là rất khó.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho rằng, rất khó chứng minh người thực hiện hành vi vi phạm ép buộc người khác uống rượu, bia bởi không thể chỉ dựa vào lời khai của một người để kết luận; chứng cứ trực tiếp ở đây phải là hình ảnh, video clip...

“Trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ngay trên bàn nhậu hành vi ép uống rượu, bia, cũng ít người thừa nhận là người khác ép mình uống, bởi phần lớn những người cùng ngồi “lai rai” với nhau đều có mối quan hệ bạn bè, quen biết nên rất khó xử lý” - luật sư Định phân tích.

Tương tự, Nghị định 117 cũng quy định phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá; phạt 3-5 triệu đồng đối với người bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Đây là một quy định tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với thuốc lá ngay từ sớm.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Trần Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai thực thi xử phạt VPHC đối với các hành vi nêu trên sẽ gặp không ít khó khăn. “Không có quy định nào cho phép người bán hàng được kiểm tra giấy tờ tùy thân khi nghi ngờ người mua chưa đủ 18 tuổi, do vậy việc phát hiện tố giác vi phạm rất khó. Ngoài ra, để chứng minh hành vi vi phạm không dễ, trường hợp người dưới 18 tuổi tự nhận mua để sử dụng (nhằm bảo vệ người lớn không bị phạt) thì xử lý như thế nào?” - ông Hùng nêu vấn đề.

Hay như quy định tại Nghị định 117 về tăng mức phạt tiền với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá là 500 ngàn đồng thay vì 300 ngàn đồng như trước đây, lãnh đạo một phường ở TP.Biên Hòa băn khoăn, việc chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hiện rất khó thực hiện vì hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm diễn ra rất nhanh, không có bằng chứng gây khó khăn trong việc xử phạt VPHC.

* Một số nội dung cần hướng dẫn cụ thể

Đánh giá cao nội dung quy định tại Nghị định 117, theo lãnh đạo một số phường, xã tại TP.Biên Hòa, việc ban hành quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia, thuốc lá nêu trên là cần thiết. Thế nhưng, để tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực thi, cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền về nội dung nghị định, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.

Trong số những quy định chờ hướng dẫn thực hiện phải kể đến quy định mới đây của Bộ Công an về việc lực lượng chức năng được phép từ chối làm việc với người ăn mặc phản cảm. Cụ thể, Thông tư số 15/2020/TT-BCA ngày 12-2-2020 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an có nội dung quy định: lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp, các đội cảnh sát giao thông, công an cấp xã khi giải quyết các thủ tục hành chính có quyền từ chối làm việc với người có biểu hiện say rượu, dùng chất kích thích, ăn mặc phản cảm hoặc có lời nói, hành vi không chuẩn mực. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể, chi tiết, hướng dẫn rõ ràng thế nào là phản cảm, nên khó áp dụng thực tế.

Phân tích nội dung này, luật sư Nguyễn Quang Khiêm, Hội Luật gia tỉnh cho hay, khái niệm trang phục phản cảm hiện chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Trước đây Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 100 ngàn đồng đối với người không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp, điểm văn hóa, tín ngưỡng hay trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Nhưng Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thay thế Nghị định Nghị định 73/2010/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định này.

Chia sẻ về nội dung này, một cảnh sát giao thông ở TP.Biên Hòa cho hay, trong quá trình làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông, đã gặp nhiều trường hợp tài xế mặc quần short, cởi trần… thậm chí say rượu, có những lời nói hành vi không đúng mực. Do đó, quy định lực lượng chức năng có quyền từ chối làm việc với người ăn mặc phản cảm, say rượu… là cần thiết. Tuy nhiên, để cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ có thể áp dụng thuận lợi, không xảy ra tranh cãi thì cần có quy định cụ thể về việc ăn mặc như thế nào là phản cảm.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202011/de-thuan-tien-hon-trong-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-3030454/