Để 'thủ phủ' tôm Bạc Liêu phát triển bền vững: Tuân thủ tốt '3 không, 3 có'

Bạc Liêu được coi là 'thủ phủ' nuôi tôm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, nghề nuôi tôm đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, trong nội tại phát triển của ngành vẫn còn những yếu tố chưa bền vững, cần hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ.

Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Tiềm năng lớn, hạn chế nhiều

Bạc Liêu hiện có 131.454ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng 110.343 tấn, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 19.849ha, sản lượng 58.110tấn; nuôi quảng canh cải tiến 502ha; mô hình tôm - lúa 31.328ha; nuôi quảng canh cải tiến kết hợp 79.775ha; 70% số hộ nuôi quảng canh có lãi, 30% hòa vốn.

Toàn tỉnh có 188 cơ sở sản xuất tôm giống (159 cơ sở sản xuất tôm sú, 29 cơ sở tôm thẻ chân trắng), công suất thiết kế sản xuất hơn 35 tỷ post/năm, đủ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Đã có 3 doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, thực hiện liên kết được 529ha, năm 2016 đã liên kết thu mua được 128 tấn. Riêng 3 tháng đầu năm 2017 đã liên kết thu mua được 14,6 tấn sản phẩm, giá bao tiêu cao hơn thị trường 15.000 đồng/kg.

Bạc Liêu cũng đã có 3 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 5 công ty, doanh nghiệp đạt được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 496ha.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, năng suất của các mô hình nuôi tôm tăng không đáng kể; giá thành sản xuất vẫn ở mức cao. Người nuôi tôm thường xuyên phải đối mặt với tình hình dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu bị suy thoái, ô nhiễm; việc hỗ trợ tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả nuôi trồng thủy sản nhìn chung chưa cao. Một số quy trình nuôi tôm còn bất cập; công tác dự tính, dự báo, cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản còn hạn chế; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp; trang thiết bị lạc hậu, chậm được đầu tư nâng cấp.

Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi còn thấp, kéo dài nhiều năm; năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế; khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nông, ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do không có tài sản đủ điều kiện thế chấp.

Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản mới bước đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vào năm 2015, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững. Đa phần các nhà máy không xây dựng cho mình được vùng nuôi an toàn để có vùng nguyên liệu đáp ứng thị trường xuất khẩu. Về tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi tôm, chưa có chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ giá trong điều kiện thị trường luôn biến động; chưa thực hiện tốt khâu dự báo thị trường, giá cả để người nuôi chủ động trong sản xuất.

Đóng góp của khuyến nông

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu đã có những hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Riêng năm 2016, trên cơ sở kế hoạch được duyệt, Trung tâm đã phối kết hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan triển khai 131 lớp tập huấn kỹ thuật với 3.533 lượt người tham dự; tổ chức 09 cuộc hội thảo chuyên đề về lĩnh vực thủy sản. Thực hiện 2 chương trình truyền hình trực tiếp “Đồng hành cùng nhà nông” và 23 chuyên mục khuyến nông thường kỳ phát trên Đài Truyền hình tỉnh. Nội dung chất lượng các chuyên đề ngày càng được cải thiện phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của địa phương. Chú trọng khuyến cáo áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); nuôi tôm mật độ thưa; thực hiện các mô hình đa cây, đa con như nuôi quảng canh cải tiến kết hợp, tôm-lúa gắn với chuỗi giá trị…nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh…

Hàng năm, Trung tâm tham gia thực hiện từ 3 – 5 mô hình (nuôi tôm sú theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi tôm càng xanh trên vùng đất chuyển đổi). Riêng năm 2016, từ nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm đã thực hiện 15 mô hình trình diễn, sản xuất thử, trong đó lĩnh vực thủy sản có mô hình nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP; mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến mật độ 7 con/m2 sử dụng chế phẩm sinh học có bổ sung thức ăn cho tôm sau 30 ngày nuôi; mô hình nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; mô hình ương nuôi thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực (từ nauplius-tôm thịt); mô hình nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp ủ thức ăn lên men bằng vi sinh; mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh (phối hợp với Công ty Việt Úc)… Đa số các mô hình, đề tài, dự án triển khai có hiệu quả và có tính ứng dụng cao nên được người dân quan tâm, ủng hộ.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ đảm bảo bền vững, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, để mọi người hiểu tại sao phải sản xuất theo thời vụ. Vận động bà con nuôi tôm không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, quy trình nuôi an toàn, thân thiện với môi trường để việc sản xuất được lâu dài, bền vững,... Hướng dẫn người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tuân thủ khuyến cáo của nhà khoa học theo hướng “ ba không và ba có”.

Cần nuôi theo quy hoạch

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề: “Phát triển nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao và bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bạc Liêu, bà Phan Thị Thu Oanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi tôm của địa phương một cách bền vững.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ quan tâm đầu tư phát triển nuôi các đối tượng sản xuất chủ lực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; phát triển theo chuỗi giá trị để gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm trên thị trường trong và ngoài nước; bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức nuôi bền vững mang tính chất cải tạo và bảo môi trường để sản xuất ra sản phẩm sạch (tôm - rừng, tôm - lúa). Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng con giống, áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng đầu vào như tuyển chọn tôm bố, mẹ sạch bệnh, xét nghiệm trước khi cho tham gia sinh sản.

Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nuôi tôm, chế biến, xuất khẩu tôm về thuế, hải quan, các rào cản thương mại, môi trường, lao động..., tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để thu hút lao động và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Thường xuyên cập nhật, thông báo về chính sách thương mại của các đối tác, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để người sản xuất, kinh doanh nắm được và điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường liên hệ với các đối tác tại các thị trường lớn, không ngừng củng cố và nâng cao uy tín trong làm ăn đối với khách hàng.

Khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy hoạch và khung lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ của ngành khuyến cáo để hạn chế rủi ro; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, thủy văn, các yếu tố môi trường để xác định thời điểm thả giống; thực hiện tốt quy trình nuôi tôm khai báo, nhằm thực hiện tốt các quy định quản lý vùng nuôi, ao nuôi để hạn chế tình trạng ô nhiễm trong vùng sản xuất.

Tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng; tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh; ngưng hoạt động và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở cung cấp con giống kém chất lượng theo quy định của pháp luật.

“Ba không” là: Không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo, trong ao nuôi bằng thuốc trừ sâu, hóa chất có nguồn góc từ thuốc bảo vệ thực vật; không xả nước, bùn trong ao trực tiếp ra bên ngoài khi chưa được xử lý; không thả giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm tra chất lượng và xét nghiệm, kiểm nghiệm các bệnh nguy hiểm.

“Ba có” là: Phải có ao lắng và xử lý nước, bùn thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài; phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); phải tham gia thành viên của các câu lạc bộ, tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã, hiệp hội để hỗ trợ nhau, không sản xuất đơn lẻ.

Khánh Nguyên

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-%E2%80%9Cthu-phu%E2%80%9D-tom-bac-lieu-phat-trien-ben-vung-tuan-thu-tot-%E2%80%9C3-khong-3-co%E2%80%9D-post1739.html