Để Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp và văn minh

Năm nay kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) đúng vào dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là dịp để ôn lại truyền thống quý báu, phát huy hào khí của sự kiện trọng đại nói trên, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hà Nội luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Quang Thái

1. Trong tiến trình lịch sử, ngày 10-10-1954 là một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trong cảnh trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Đúng 16h ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào Hà Nội. 15h cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức… Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu của lực lượng kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc.

Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng... Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.

Một góc hồ Tây hôm nay. Ảnh: Vũ Long

2. Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối mới của Đảng, Hà Nội đã đi đầu trong công cuộc tiến hành đổi mới đất nước trên tất cả các mặt trận: Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân… Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô ngày càng phát triển trong hòa bình, ổn định và an toàn, xứng danh “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”.

Sau khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 đến nay, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Vai trò, vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã bảo đảm vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ” để củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền thành phố.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Trung ương với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố rất có hiệu quả. Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố. Kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,39%. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD. Thành phố đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa của cả nước. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có những mô hình mới, có nhiều cách làm hay...

Tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19-9-2020 về chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng bộ thành phố Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và trách nhiệm của Thủ đô - trái tim của cả nước; Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; là bộ mặt của quốc gia; là “Thành phố Vì hòa bình” và có mối quan hệ quốc tế sâu rộng…”.

Kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, qua đó, để khơi dậy niềm tự hào, tự tin, tăng thêm quyết tâm và ý chí hành động để xây dựng Thủ đô yêu quý ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tin của Đảng và mong đợi của nhân dân cả nước.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/980482/de-thu-do-ha-noi-ngay-cang-giau-dep-va-van-minh