Để thoát cảnh 'nô lệ về công nghệ'

Mở đầu ngày mới với chiếc di động Việt tên tuổi, kết nối vào mạng 5G, dùng các ứng dụng để giao dịch, điều khiển các thiết bị gia đình qua cảm biến… đáng lẽ ra phải là thực tại của chúng ta. Nhưng hình như chúng ta đã chậm bước, vuột mất cơ hội, dù trước đây đã có chiến lược và đầu tư.

Sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt hiện nay, chỉ có thể kể đến những chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) như Bphone. Vậy mà, đằng sau sự hô hào, quảng bá thì việc các sản phẩm đó đến được với người sử dụng vẫn rất hạn chế. Không phải do trục trặc về công nghệ, về quy trình vận hành nhà máy sản xuất di động Vsmart… Vấn đề chính ở nguồn nguyên liệu, hay còn gọi là các phụ kiện liên quan để đưa vào nhà máy sản xuất không đủ, thậm chí bị giới hạn bởi sự cạnh tranh từ nhiều hãng sản xuất ĐTDĐ khác. Những chiếc Vsmart không kịp đến tay người dùng theo đơn đặt hàng do không đủ nguyên liệu sản xuất… Đó là điều ngoài dự báo của Vsmart và phản ánh đúng bức tranh sản xuất công nghiệp bấy lâu nay của chúng ta chứ không riêng gì Vsmart.

Với Bphone, một sản phẩm công nghệ đã được người dùng tiếp nhận qua 3 lần ra mắt rầm rộ, lại gặp thực tế phũ phàng hơn. Điểm yếu là năng lực sản xuất, sau 3 mùa sản xuất Bphone cho thấy, Bkav vẫn chưa đủ tiềm lực tài chính nên phải vừa làm vừa nghiên cứu, từng bước hoàn thiện sản phẩm. Chính vì thế, chiếc ĐTDĐ này không có chỗ đứng mạnh mẽ trên thị trường như những gì nhà sản xuất công bố. Với Bphone, sự phụ thuộc vào Qualcomm quá rõ, nên việc “tự lực tự cường” cho chiếc di động Việt còn đầy gian nan phía trước.

Đến với 5G, triển vọng mới đang được đặt ra vì mạng 5G được xem là chìa khóa để đi vào thế giới vạn vật kết nối, trong đó các thiết bị cảm biến là những yếu tố quan trọng để thu thập dữ liệu. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi, thiết bị đeo… Nhưng, chúng ta sẽ làm gì để chuyển đồng bộ sang 5G? Hào hứng nhất là Viettel, sau khi được chấp thuận cho thí điểm tại TPHCM và Hà Nội trong năm 2019, Viettel đã nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G, thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015.

Hơn nữa, với kinh nghiệm trong phát triển trạm phát sóng 4G eNodeB và mạng lõi, Viettel định hướng tập trung vào nghiên cứu trạm phát sóng 5G. Cụ thể hơn, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực: làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G… Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ khi đưa 5G vào đời sống. Hơn nữa, thiết bị đầu cuối 5G với chúng ta còn rất xa… với lõi công nghệ 5G vẫn đang có trong tay của Qualcomm và Huawei - tên tuổi đang bị nhiều quốc gia trên thế giới nghi vấn.

TPHCM đã tập trung thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, gắn với việc xây dựng điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai mạng viễn thông 5G trong năm nay. Có thể hình dung, khi TPHCM triển khai mạng viễn thông 5G sẽ thu được nhiều lợi ích lớn vì TP đã và luôn tập trung phát triển đột phá ngành điện tử và CNTT... Đây là điều cần thiết để chuẩn bị đón nhận tương lai. Thế nhưng, mọi việc vẫn mới là định hướng nên nhìn 5G còn thấy thiếu nhiều thứ, nhất là thiếu những ứng dụng, giải pháp của 5G với người dân để kết nối với đô thị thông minh.

TPHCM một thời kỳ vọng vào công nghiệp vi mạch. Hàng loạt hoạt động trong lĩnh vực vi mạch gắn liền với Chương trình Phát triển công nghệ vi mạch của TPHCM giai đoạn 2013 - 2020 được tổ chức, đã thổi lên những hy vọng, ngọn lửa nhiệt huyết của giới làm vi mạch. Trong giai đoạn 2012 - 2017, TPHCM đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí trên 68 tỷ đồng (11 đề tài, dự án đã nghiệm thu và 7 đề tài, dự án đang triển khai); đã tạo ra được chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1, là sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được thương mại hóa, có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng. Tuy nhiên, sự rộn rã đó trôi qua rất nhanh, ngành vi mạch bán dẫn TPHCM như đã rơi vào quên lãng, các sản phẩm tạo ra cũng “xong nhiệm vụ”, ngay cả việc xây dựng nhà máy vi mạch được nâng lên đặt xuống chán chê rồi cũng không thấy bóng dáng.

Nếu sự hô hào cũng quyết tâm như bắt tay vào cuộc; nếu các định hướng đều thực hiện quyết liệt trong thực tế để tạo những sản phẩm mang tính ứng dụng cao thì sự hiện diện công nghệ của Việt Nam trên bản đồ thế giới sẽ khác xa thực trạng hiện nay. Và ở thời điểm này, khi Chính phủ yêu cầu các bộ ngành phải chuyển biến, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung toàn lực cho đầu tư 5G, cải cách toàn bộ hệ thống quản lý hành chính… đã đến lúc mọi người phải thay đổi nhận thức sống cùng với công nghệ, thúc đẩy nền sản xuất mới trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, kết nối internet vạn vật, sản xuất vật liệu mới… Việc đầu tư phải tập trung, không dàn trải; thúc đẩy, khơi dậy nội lực của các doanh nghiệp trong nước trước làn sóng sản xuất mới; làm chủ công nghệ để tránh “nô lệ về công nghệ” với các công ty nước ngoài.

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-thoat-canh-no-le-ve-cong-nghe-576800.html