Đề thi Văn tốt nghiệp quốc gia thiếu tính sáng tạo?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, với văn bản thơ này đến người lớn đã qua đại học cũng khó trả lời, nên rất khó với học sinh lớp 12.

Các thí sinh làm bài trong kì thi Quốc gia. Ảnh minh họa TTXVN.

Các thí sinh làm bài trong kì thi Quốc gia. Ảnh minh họa TTXVN.

Năm nay, Đề thi Quốc gia môn Ngữ văn được ra theo cấu trúc 2 phần: Phần Đọc hiểu (3 điểm) với một văn bản thơ và 4 câu hỏi.

Phần làm Văn (7 điểm) với một đoạn văn bản văn xuôi, gồm 2 câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).

Yêu cầu của câu Nghị luận xã hội viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trình bày suy nghĩ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu.

Không quá bất ngờ, bởi cấu trúc bài thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo từ trước và đã minh họa bằng một đề thi khá hay.

Đồng thời ngay từ tháng 3/2019, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ra thông tư Số: 03/2019/TT-Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Ở Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Nội dung thi: Nội dung thi nằm trong chương trình cấp Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12".

Vậy mà, đề thi chính thức môn Văn tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, phần đọc hiểu lại cho dữ liệu là trích đoạn 15 câu trong bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương trong quyển Thơ Việt Nam 1945 – 1985, Nhà xuất bản Văn học, 1985, trang 391.

Không nằm trong sách giáo khoa và có lẽ không thân thuộc với học sinh. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Thông tư ra một đằng, đề thi một nẻo? Có lẽ, chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trả lời được.

Văn bản thơ này đến người lớn đã qua đại học cũng khó trả lời, cho nên với học sinh lớp 12 sắp bước vào đời không dễ dàng. Vậy nên mỗi em trả lời một phách là điều rất dễ xảy ra. Nhà thơ Vũ Quần Phương có nhiều bài thơ hay như: “Ngã ba Đồng Lộc”, “Áo đỏ”, “Đợi”...; nhưng không biết vì sao đề thi lại chọn bài “Trước biển”?

Ấy là chưa kể đề thi tách đoạn thơ ra khỏi hoàn cảnh sáng tác, lại được cụ thể hóa bằng đáp án thì sự hiểu khác, hiểu sai sẽ càng khó khăn khi chấm thi.

Làm đúng như đáp án thì sai với tinh thần đoạn thơ trích. Làm đúng ý nghĩa đoạn thơ trích thì sai với đáp án... cũng là một cảnh báo để những người có trách nhiệm ra đề thi phải suy ngẫm.

Đề thi văn cũ, không sáng tạo, lặp lại năm trước, chẳng hạn như câu hỏi: “Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?”. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) của câu Nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ của học sinh về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống lại càng cũ kĩ, sáo mòn.

Chỉ phù hợp cho học sinh làm bài cho xong việc tốt nghiệp, chứ để cho học sinh thi lấy điểm xét vào đại học với tư duy sáng tạo, bay bổng và phát hiện thì khó mà thể hiện được.

Bên cạnh đó, câu Nghị luận văn học ra trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng cần được mổ xẻ.

Ngữ liệu là một đoạn văn ngắn, mà yêu cầu học sinh phải viết dạng một bài văn về hình tượng sông Hương là đánh đố thí sinh hướng đến mục đích đỗ tốt nghiệp, nhưng lại “bó buộc” cá tính sáng tạo của thí sinh hướng đến đích vào đại học, không có “đất” để tung hoành bay bổng.

Hình tượng sông Hương được Hoàng Phủ Ngọc Tường xây dựng trong cả bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, chứ không phải là hình ảnh sông trong một đoạn văn.

Vậy là, tưởng là hay, tưởng là phân hóa được học sinh giỏi với trung bình, phân hóa được mục đích tốt nghiệp phổ thông với vào đại học, nhưng lại không phân hóa được.

Đặt ra những vấn đề đó với đề thi văn chính thức năm nay để thấy không có sự tinh tế, không phân hóa, không mang tính phát hiện bằng đề thi minh họa cả phần Đọc hiểu lẫn phần Nghị luận.

Chẳng hạn, câu nghị luận văn học của đề minh họa, hướng dẫn phân tích hai lần ăn của “Vợ nhặt” ở hai hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau để làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật là “đất” diễn mênh mông, bay bổng của thí sinh khá giỏi.

Đề thi văn chính thức không làm được điều đó, mà thiên về an toàn, cũ kĩ, đơn điệu, dĩ nhiên là không hay. Chẳng biết lấy gì để tuyển sinh năng khiếu vào đại học?

Thi cử là thước đo khảo sát kết quả giáo dục. Nhưng, thành công của một con người cụ thể chưa hẳn đã quyết định do điểm thi mà là cả quá trình tự học, tự trải nghiệm nâng cao nhận thức và hành động dài lâu.

Nên chăng, hãy bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, chỉ xét và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học tập. Thi đại học nên đưa về các trường đại học, cao đẳng tự chủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chất lượng và quy chế. Bộ làm cả thi tốt nghiệp, thi vào đại học là làm thay, vừa ôm đồm, không tin cấp dưới, vừa tốn kém lãng phí, mà lại không hiệu quả.

Sương Nguyệt Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/de-thi-van-tot-nghiep-quoc-gia-thieu-tinh-sang-tao-post199822.gd