Đề thi Toán THPT quốc gia vẫn làm sôi sục dư luận

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã khép lại nhưng những tranh luận trái chiều xung quanh đề thi môn Toán vẫn tiếp tục 'làm nóng' dư luận xã hội.

Từ những ý kiến khác nhau về đề thi trắc nghiệm môn Toán, nhiều người đặt câu hỏi, liệu đề thi đã thực sự đạt được mức độ chuẩn hóa, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi “hai trong một” hay chưa?

Theo TS LêThống Nhất, người sáng lập hệ thống giáo dục Bigshool, cấu trúc đề thi với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao thực tế cũng không quyết định chuyện đề khó hay dễ.

“Tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại không đúng bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được bởi vì làm khó với quá nhiều thí sinh và những sự khó đó không có tác động đến phân loại học sinh. Khó mà không phân hóa cũng là chuyện thường”-TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm.

Dẫn lời một số GS Toán học và giáo viên phổ thông cho biết, không thể giải 20 câu cuối môn Toán trong thời gian 90 phút và việc một số câu hỏi ở một số mã đề thi không có đáp án đúng, TS Lê Thống Nhất cho rằng, đó chính là do số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỷ lệ quá nhiều trong đề thi. Nguyên nhân chính là những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm.

Từ những lập luận trên, TS Lê Thống Nhất đưa ra đề xuất: “Chúng ta phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm. Chứ không phải chỉ biết "trắc nghiệm hóa" đề tự luận. Chúng ta cần xem lại kỳ thi "2 trong 1" khi năng lực ra đề không đảm bảo yêu cầu này. Ra đề thi trắc nghiệm đã chưa quen lại còn phải lo "2 trong 1". Trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi hay không?”.

Độ khó của đề thi môn Toán tiếp tục “gây bão” dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Thầy giáo Bùi Việt Hà, công tác ở Công ty School@net lại cho rằng: Với đề thi trắc nghiệm, thầy giáo hay GS Toán làm không nhanh bằng học sinh cũng là bình thường. Lý do là đối tượng để thử nghiệm đề thi không phải là giáo viên mà là học sinh phổ thông.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, thầy Bùi Việt Hà cho biết: “Năm ngoái, sau khi có đề thi Toán, tôi nhớ là có rất nhiều người kêu là đề khó quá. Tôi cũng xem đề năm ngoái và cũng thấy ngợp vì khó. Tôi nhớ các bạn bè tôi dạy Toán cũng đều kêu khó. Nhưng khi có kết quả thì lại có rất nhiều học sinh đạt điểm 10, đến nỗi mọi người lại kêu ngược lại là đề dễ quá. Năm nay cũng vậy, đề vừa ra đã có 1 loạt kêu ca đề khó. Thậm chí mức kêu còn khủng hơn nhiều vì có thông tin các GS Toán cũng không làm được trong 90 phút. Cứ đợi xem, tôi nghĩ rồi cũng sẽ có nhiều điểm 10 đấy”.

Cũng theo phân tích của thầy Hà, vì chúng ta yêu cầu đề trắc nghiệm vừa đánh giá tốt nghiệp THPT và phân loại để tuyển sinh đại học nên bất cập là không thể tránh khỏi. Thêm nữa mục đích tốt nghiệp THPT là đánh mức và tuyển sinh đại học là phân loại chi tiết nên hai mục đích này sẽ có phần xung khắc với nhau. Vì ậy, nếu đề thi có khoảng 35 câu đầu để đánh mức và 15 câu sau để phân loại cũng có thể được coi là hợp lý.

Chia sẻ với PV Báo CAND về những tranh luận trái chiều xung quanh đề Toán, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Muốn biết đề thi chuẩn hóa và phân hóa tốt hay chưa thì phải đợi đến khi công bố phổ điểm mới có đủ cơ sở.

Cũng theo ông Khuyến, đây là năm thứ 2 môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT cũng đang trong quá trình nỗ lực đổi mới thi cử nên rất cần sự điềm tĩnh, công tâm, khách quan từ dư luận trong mọi đánh giá, đặc biệt là khâu ra đề thi. Tuy vậy, ông Khuyến cũng thừa nhận, với một kỳ thi “2 trong 1”, vừa để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học, việc đề thi đảm bảo được hoàn toàn tuyệt đối cho cả 2 mục tiêu sẽ là rất khó.

Do vậy, ông Khuyến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi, đặc biệt là khâu thử nghiệm độ khó, dễ của đề thi. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào đề thi được thử nghiệm trên một số lượng học sinh đủ lớn, đối tượng học sinh đa dạng và nội dung đề thi được dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra của học sinh THPT thì đề thi mới có thể đạt được mức độ chuẩn hóa.

“Chưa biết phổ điểm của môn Toán năm nay thế nào nhưng nếu nhìn vào phổ điểm có phần mất cân xứng của môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thì có thể kết luận đề thi năm 2017 chưa đạt tiêu chuẩn hóa. Điều này đòi hỏi Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đề đáp ứng được các yêu cầu của đề thi chuẩn hóa”-ông Khuyến nêu quan điểm.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/ban-khoan-ve-de-thi-chuan-hoa-498198/