Đề thi tiếng Anh vào lớp 10 ở Hà Nội: Dự đoán nhiều điểm 10

Trong 60 phút chiều 17-7, gần 89.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 công lập làm 40 câu trắc nghiệm tiếng Anh. Rất nhiều em đánh giá đề dễ, nhiều em rời phòng thi sớm.

Thí sinh Hà Nội phấn khởi vì đề thi vào 10 năm nay được đánh giá dễ. Ảnh: QUANG PHÚC

Thí sinh Hà Nội phấn khởi vì đề thi vào 10 năm nay được đánh giá dễ. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo dự đoán của nhiều thí sinh cũng như chia sẻ của các phụ huynh, đạt điểm 9-10 môn Anh không phải khó. Nhiều thí sinh chỉ mất mười phút để hoàn thành bài thi.

Nhận xét về đề thi tiếng Anh, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục Học mãi cho biết, đề thi tiếng Anh vào 10 năm nay tại Hà Nội hay, khai thác các kiến thức quan trọng mà học sinh đã học trong suốt quá trình học THCS, đặc biệt là chương trình của lớp 9. Đề thi cũng cung cấp kiến thức văn hóa hấp dẫn cho học sinh ở trong bài đọc hiểu (về Vịnh Hạ Long và môi trường). Về cấu trúc đề thi, đề thi năm nay hoàn toàn trắc nghiệm, khác với đề thi năm ngoái. Điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT do dịch Covid-19. Đề thi năm nay dễ hơn đề thi năm trước, và sẽ có thể có nhiều điểm 9, 10 trong môn tiếng Anh này.

Nhiều em phấn khởi rời phòng thi sớm. Ảnh: QUANG PHÚC

Cụ thể, phần ngữ âm (4 câu) khá đơn giản vì các từ đều tuân theo nguyên tắc, và nếu các em nắm vững các nguyên tắc phát âm và trọng âm thì chắc chắn các em sẽ làm đúng cả 4 câu này. Phần hoàn thành câu (câu 5 đến câu 14) được đánh giá rất “dễ thở”, không có nhiều câu từ vựng, gần như phần này đề chỉ đề cập phần ngữ pháp; tức là học sinh sẽ làm được bài một cách dễ dàng nếu học kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa. Với phần đồng nghĩa và trái nghĩa (câu 15 đến câu 18), thường thì đây là phần khó, nhưng năm nay phần này cũng khá dễ "ăn điểm". Các từ vựng đều nằm trong các bài đọc của sách giáo khoa lớp 9. Gần như không có từ mới ở bên ngoài. Với các câu về chủ đề giao tiếp (câu 19 và 20) khá hay vì đây đều là những câu xuất hiện nhiều trong thực tế, vì thế nếu học sinh nào có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt thì câu này rất đơn giản. Nhưng với những học sinh ít có cơ hội sử dụng tiếng Anh để giao tiếp thì cũng không cần quá lo lắng vì các em chỉ cần hiểu nghĩa của từng câu là có thể chọn đáp án đúng.

Phần đọc hiểu (từ câu 21 đến câu 24) là phần hay nhất của đề vì học sinh ngoài được kiểm tra về kỹ năng tiếng Anh còn được học thêm kiến thức văn hóa mới về danh lam thắng cảnh của Việt Nam, từ đó thêm yêu quê hương đất nước. Các câu hỏi đọc hiểu gần như không cần suy luận hoặc suy luận ít vì các thông tin đã có trong bài đọc.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, phần điền từ (từ câu 25 đến câu 30) được đánh giá là phần khó nhất đề thi năm nay, tuy nhiên nếu so với đề năm trước và đề các nơi khác thì phần này lại khá đơn giản. Từ mới gần như không có, có tới 4/6 câu chỉ cần dựa vào cấu trúc ngữ pháp. Phần tìm lỗi sai (từ câu 31 và 32) lại dễ vì những lỗi sai rất dễ nhìn thấy, lỗi sai đều là những lỗi ngữ pháp rất cơ bản. Phần viết lại câu (từ câu 35 đến 40) năm nay được chuyển thành phần trắc nghiệm vì thế phần này sẽ gây ra nhầm lẫn cho học sinh vì các đáp án trông rất giống nhau, nếu học sinh không cẩn thận thì sẽ rất dễ bị sai.

Thí sinh được giám thị hướng dẫn tận tình trước khi phát đề thi. Ảnh: QUANG PHÚC

“Với đề thi này, điểm thi môn tiếng Anh được dự đoán sẽ cao hơn năm ngoái. Phổ điểm phổ biến ở mức 6.5 đến 7.5. Đề thi năm nay sẽ có thể có nhiều điểm 10, đặc biệt là đối với những học sinh khá giỏi”, thầy Nguyễn Trung Nguyên dự đoán.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng đánh giá, đề ra vừa sức với các chủ điểm từ vựng phổ biến và cơ bản, nằm trong chương trình sách giáo khoa. Chủ đề từ vựng tập trung vào danh lam thắng cảnh và hoạt động cộng đồng, đây là 2 chủ đề phổ biến trong chương trình sách giáo khoa lớp 8 và 9. Về từ vựng: Các từ và cụm từ đưa vào cơ bản, khá vừa sức học sinh, không có câu nào đánh đố học sinh. 4 câu phần đồng nghĩa, trái nghĩa khá dễ, học sinh có thể làm tốt phần này. Ngữ pháp bao trùm các chuyên đề ngữ pháp cơ bản trong chương trình lớp 8, 9. Bao gồm các thể bị động, gián tiếp, câu hỏi đuôi, mẫu động từ đi với V-ing và To verb, câu so sánh và câu điều kiện. Đây là các mảng kiến thức được học rất kỹ trong chương trình ôn tập lớp 9 nên sẽ không gây khó cho học sinh. Phần ngữ âm tập trung vào âm cuối - ed cũng là chuyên đề quen thuộc học sinh được rèn luyện nhiều, trọng âm rơi vào cách đánh trọng âm cơ bản như là động 2 danh 1 cũng khá dễ cho học sinh nhận diện.

“Nhìn chung đề ra vừa sức và cũng có tính chất phân loại học sinh, nằm trong chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT. Phần khó tập trung vào một số câu ngữ pháp ở phía cuối và phần bài đọc. Cụ thể như câu 35, câu 37 là những câu học sinh dễ nhầm lẫn. Phổ điểm học sinh có thể đạt được rơi vào 6 - 7 điểm. Với học sinh giỏi sẽ có nhiều điểm 10”, cô Nguyễn Thị Mai Hương nói.

Hà Nội năm nay có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó 88.920 em dự thi vào lớp 10. Với 113 trường công lập tuyển 64.110 chỉ tiêu, công lập tự chủ gần 2.800 chỉ tiêu; những em không vào công lập sẽ học trường ngoài công lập hơn 21.400 chỉ tiêu, trung tâm giáo dục thường xuyên hơn 8.000 chỉ tiêu và cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần 8.500 chỉ tiêu.

Thí sinh thi trong hai ngày 17 và 18-7 với ba môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Nguyên tắc tuyển sinh như sau: Điểm xét tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x 2 + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên. Trong đó điểm bài thi tính theo thang 10 và chỉ xét thí sinh có đủ bài thi, không vi phạm quy chế đến mức hủy bài thi, không có bài thi bị điểm 0.

Thí sinh dự thi hệ chuyên của bốn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây thi ba môn theo lịch chung, sau đó làm bài thi chuyên vào chiều 18-7 và sáng 19-7.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-thi-tieng-anh-vao-lop-10-o-ha-noi-du-doan-nhieu-diem-10-673620.html