Đề thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội đa phần ở mức độ nhận biết và thông hiểu

Sáng 10/8, các thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Đối với bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đề thi đa phần ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không thuộc nội dung đã tinh giản và bám sát đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Có mặt tại điểm thi Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) sáng 10/8, sau khi kết thúc bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều thí sinh bước ra cổng trường với nét mặt vui tươi, hồ hởi. Nhận định về bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều em cho biết, năm nay đề thi nhẹ nhàng, không gây khó nhưng vẫn có tính phân loại.

Thí sinh Nguyễn Hà Trang (Trường Trung học phổ thông Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, em khá thoải mái với bài làm của mình. Trong 3 môn thi, Trang đánh giá môn Lịch sử khó nhất bởi hơi dài và nhiều sự kiện.

Tương tự, đối với thí sinh Nguyễn Hoàng Sơn (Trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm) cho biết, 3 môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội đối với em không khó. Đa số các câu đa phần ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Sơn cũng cho biết thêm, năm nay kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Việc thi 3 môn thi thành phần trong 1 buổi sáng cũng không ảnh hưởng nhiều đến thí sinh, chỉ có một vấn đề duy nhất là thời gian nghỉ giữa các môn thi hơi ngắn do đó khó khăn hơn trong việc nhớ lại kiến thức.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Theo các thầy cô giáo thuộc Tổ Xã hội (Hệ thống Giáo dục Hocmai), đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Đia lí, không thấy xuất hiện câu hỏi lớp 11). Với các câu hỏi lớp 12, nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc Học kì I, không thuộc nội dung đã tinh giản và bám sát đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đảm bảo mục tiêu của kì thi.

Về độ khó của các bài thi thành phần, 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi. Cụ thể:

Đối với môn Lịch sử, đề thi có phần lớn câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam thuộc kiến thức lớp 12,75% số câu hỏi trong đề ở mức độ nhận biết, thông hiểu tập trung vào những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. Đề thi có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp.

Đối với môn Địa lí, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, cũng có 75% bài thi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi). Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.

Đối với môn Giáo dục công dân chỉ có 25% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa. Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ. Đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp.

Thảo Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-thi-thuo-c-to-ho-p-khoa-ho-c-xa-ho-i-da-pha-n-o-mu-c-do-nhan-biet-va-thong-hieu-111503.html