Đề thi THPT quốc gia năm nay có độ phân hóa cao hơn hẳn năm trước

Sáng 27/6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân. Đây cũng là ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Tuy vẫn có những ý kiến nhìn nhận khác nhau, song nhiều người cho rằng đề thi THPT quốc gia năm nay có độ phân hóa cao hơn hẳn so với năm trước.

Trong phòng thi.

Đề Văn mở, đáp án mở đến đâu?

Ngữ liệu của đề thi môn Ngữ văn không có trong sách giáo khoa, nhưng được lựa chọn khá hay, thú vị hấp dẫn, cách triển khai ngữ liệu hợp lý.

Theo đó, cấu trúc đề thi không gây bất ngờ, nhưng đề thi Ngữ văn năm nay tốt hơn hẳn về những yêu cầu: phân hóa, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng mà vẫn giữ được đặc trưng môn học, không sa vào giáo điều. Đây là đề thi phân hóa tốt nhất từ trước đến nay, hơn thế có khả năng định hướng tốt tư tưởng cho học sinh.

Cụ thể câu nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống muôn đời nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, không bị gò ép.

Tuy nhiên đây là câu hỏi không phải học sinh nào cũng làm tốt, bởi đây là vấn đề sâu, không phải em nào cũng có thể hiểu thấu đáo.

Riêng phần này đã phân hóa rồi, em nào làm tốt được câu này, chứng tỏ đó là học sinh nắm tương đối chắc kiến thức xã hội, có tư tưởng đúng đắn, có ý thức trách nhệm với sự phát triển của đất nước, thấy được trách nhiệm công dân.

Với đề văn này, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Tuy nhiên, từng tham gia chấm thi nhiều năm, chúng tôi vẫn thấy băn khoăn, với những dạng đề Văn mở, đáp án cũng nên “mở” để đánh giá được hết khả năng cảm thụ văn học cũng như thẩm thấu văn chương của học sinh.

Nếu đề thi mở mà đáp án không mở, hoặc mở một cách chung chung, thì cách chấm văn sẽ vẫn cứng nhắc, công thức khó khuyến khích sáng tạo của thí sinh.

(Cô Lê Thanh Hồng- Giáo viên Văn Trường THCS Phù Cừ, Hưng Yên)

Nhiềm vui sau khi thi.

Môn Toán phổ điểm chủ yếu từ 5-7

Nhận định về đề thi môn Toán với 50 câu, thí sinh làm bài trong vòng 90 phút: 20 câu đầu là kiến thức rất cơ bản, học sinh trung bình yếu có thể làm được; các câu từ 20 - 25 là mức cho học sinh trung bình, trung bình khá; từ câu 26 đến 35, cùng các câu 46, 47 thì học sinh học lực khá có thể làm được.

Mức độ khó nằm ở các câu 36, 38, 39, 45, 49, dành cho đối tượng khá giỏi. Một số câu rất khó như 37, 41, 42, 43, 44, 50, đòi hỏi học lực xuất sắc.

Cụ thể hơn, về nội dung kiến thức, phần lớp 11 tập trung chủ yếu vào tổ hợp xác suất và hình không gian; còn kiến thức ở lớp 12 thì phân phối đều cả chương trình. Câu hỏi mức độ vận dụng cao chủ yếu tập trung về mũ và logarit, nguyên hàm, tích phân và hàm số.

Nhìn tổng quát, mức độ phân hóa đề thi khá rõ ràng, học sinh giỏi có thể đạt mức độ tới 9, nhưng để được điểm tuyệt đối sẽ rất khó. Học sinh phải tận dụng tối đa thời gian mới có thể hoàn thành được bài thi.

Một nét nữa là đề thi có 4 bài toán thực tế, liên môn, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực tế về môn Vật lý mới có thể làm được. Cô Giang dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ ở mức 5-7

(Cô Nguyễn Thị Giang- giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội)

Môn Lịch sử, đề dài nhưng chỉ kiểm tra mức độ hiểu

Nhận định về đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, các thầy cô thuộc tổ Lịch sử - Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra mức độ hiểu.

Cụ thể, năm 2018 là năm đầu tiên xuất hiện câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 trong đề thi THPT quốc gia với 8 câu hỏi (chiếm 20%), trong đó có 3 câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới về các chủ đề: Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 năm 1917; Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945); Nước Nga sau cách mạng tháng 10 năm 1917 và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Phần lịch sử Việt Nam với khoảng 5 câu hỏi chủ yếu thuộc giai đoạn từ năm 1858 – 1918.

Các câu hỏi lớp 11 chủ yếu ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu; trong đó câu 35 mã đề 306 được xếp vào câu hỏi ở cấp độ Vận dụng, đòi hỏi sự móc nối kiến thức Lịch sử 11, 12 giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

Đề thi bao quát toàn bộ các chuyên đề của Lịch sử thế giới hiện đại.

Các câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam chủ yếu khai thác về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954 nhưng không xuất hiện dạng bài mới lạ hoặc các chủ đề có tính thời sự.

Có khoảng 10% tổng số câu hỏi của đề thi thuộc dạng bài so sánh.

Theo đó, để làm được bài đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức về các sự kiện đồng thời phải có sự phân tích, tổng hợp, bao quát và đánh giá vấn đề mới có thể hoàn thành tốt.

Trước đây, đề thi Lịch sử thường được cho là nặng về việc kiểm tra mức độ nhớ sự kiện của thí sinh. Nhưng trong đề thi 2 năm gần đây, không có các câu hỏi kiểm tra về nhớ máy móc mốc thời gian, mà các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra mức độ hiểu.

Với cách ra đề như năm nay, về cơ bản có sự phân hóa rất tốt; đã chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực.

Hơn 2.000 thí sinh TP HCM bỏ thi

Ngày 27/6, sau khi kết thúc môn thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), cũng là môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia, lãnh đạo Sở GDĐT TP HCM đã có báo cáo tổng kết về kỳ thi trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế mặc dù có nhiều thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.

Đặc biệt, tại TP HCM năm nay có tới hơn 2.000 thí sinh bỏ thi không rõ lý do. Trong đó, môn Toán có số thí sinh bỏ thi nhiều nhất, lên đến 414 thí sinh. Các môn khác như Ngữ văn có 315 thí sinh bỏ thi.

Ở các môn thành phần của môn tổ hợp, số thí sinh bỏ thi lần lượt là. Môn Vật lý 184 thí sinh, môn Hóa học là 213 thí sinh, môn Sinh học là 153 thí sinh, môn Lịch sử 202 thí sinh, môn Địa lý là 180 thí sinh, môn Giáo dục công dân là 84 thí sinh.

Theo nhiều người, tỉ lệ thí sinh bỏ thi nhiều có nguyên nhân chủ yếu là thí sinh đăng ký nhiều tổ hợp xét tuyển thi ĐH ở nhiều ngành, trường khác nhau. Khi dự thi, thí sinh đã thay đổi và bỏ thi một số môn thành phần vì có nhiều lựa chọn.

Lãnh đạo Sở GDĐT thành phố cho biết, sẽ huy động khoảng 700 giáo viên để chấm thi môn Ngữ văn, môn duy nhất theo hình thức tự luận của kỳ thi. Tất cả các môn còn lại đều được chấm bằng máy bởi bài thi thực hiện theo hình thức trắc nghiệm.

Đoàn Xá

Hơn 230 thí sinh ở Quảng Nam vắng mặt ngày thi cuối

Sáng 27/6, trong ngày thi cuối kỳ thi TPHT Quốc gia 2018, tỉnh Quảng Nam có 231 thí sinh vắng thi, cụ thể, bài thi Lịch Sử có 81 thí sinh vắng thi, 1 thí sinh vi phạm quy chế thi; môn Địa Lý có 79 thí sinh và môn Giáo dục công dân có 71 thí sinh vắng thi.

Tấn Thành-Chí Đại

240 thí sinh ở Nam Định vắng mặt trong 3 ngày thi

Chiều 27/6, Thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia trên địa bàn, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết: 3 ngày qua thi kỳ thi diễn ra trên địa bàn an toàn, không có cán bộ coi thi nào vắng mặt, vi phạm quy chế thi; cũng không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi bị xử lý.

Tuy nhiên, trong 3 ngày thi tại 39 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 240 thí sinh vắng mặt, tron đó số thí sinh vắng mặt nhiều nhất là vào sáng ngày 25/6, trong buổi thi môn Toán với tổng cộng 50 thí sinh.

Duy Hưng

PV (ghi)
Ảnh:
Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/de-thi-thpt-quoc-gia-nam-nay-co-do-phan-hoa-cao-hon-han-nam-truoc-tintuc408464