Đề thi tham khảo môn Toán, Ngữ Văn vừa sức

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo nhận xét của các giáo viên, đề thi tham khảo môn Toán, môn Ngữ Văn năm nay có tính phân loại; học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Đề tham khảo môn Toán ở mức độ vừa phải, tương đương đề thi chính thức năm 2020

Thầy giáo Đỗ Xuân Thắng – giáo viên Tuyensinh247.com cho hay, đề tham khảo môn Toán năm nay ở mức độ vừa phải, tương đương với đề thi chính thức năm 2020, đúng với tinh thần để đánh giá xét tốt nghiệp chương trình phổ thông môn Toán và kết hợp kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT môn Toán năm 2021 có tính phân loại từ mốc điểm 8 trở đi, còn ở cấp độ dưới 7 thì ở mức chương trình cơ bản , đủ để phân loại trong phân khúc 8,9 ,10 (cao, thấp). Các câu hỏi từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các mã đề có mức độ tương đương nhau, công bằng cho các thí sinh. Những câu dễ từ câu 1 đến 39, những câu khó hơn từ câu 40 đến câu 50.

Theo thầy Đỗ Xuân Thắng, những câu vận dụng cao tập trung ở cuối đề thi. Điểm khác biệt lớn nhất so với 2020 là các câu vận dụng cao có nằm trong chương trình học kỳ 2 (là câu 49: số phức, câu 45, 50: Hình tọa độ oxyz). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch nên đề thi các câu phân loại không nằm trong chương trình học kỳ 2), điểm thứ 2 chúng ta lưu ý là không xuất hiện câu hỏi xác suất của chương trình lớp 11 trong phần vận dụng, vận dụng cao, còn bố cục theo cấp độ từ dễ đến khó trong các mã đề vẫn như mọi năm!

Với tình hình dịch bệnh không có gì biến động mới thì đề thi như vậy là hoàn toàn hợp lý về nội dung so với chương trình học tập hiện nay của đa số các tỉnh, thành và địa phương trên cả nước. Còn về mức độ, thầy Đỗ Xuân Thắng cho rằng có thể cân nhắc phân loại thêm từ phân khúc từ điểm 7 - 8 điểm để tránh phổ điểm dồn cục về ở mức 7- 8 – 9, giúp các thí sinh và các trường phân loại đầu vào khi xét tuyển đại học theo phân khúc dễ dàng hơn!

Thầy giáo Đỗ Xuân Thắng lưu ý học sinh cần hệ thống được tất cả các phần kiến thức lớp 12, những kiến thức hay thi của lớp 11 trong những năm gần đây. Các em cần ôn tập tốt, thành thạo tất cả các dạng bài thường gặp, các kỹ năng giải toán để giải quyết thật nhanh những bài toán dễ và những bài đã biết cách giải. Từ giai đoạn này, học sinh nên tăng cường giải đề thi thử và đặc biệt là giai đoạn sát kỳ thi chính thức nhằm tạo thói quen làm đề trắc nghiệm. Để đạt điểm cao môn này, thí sinh vừa phải có tư duy tốt, đồng thời giỏi về khả năng tính toán và thực sự tinh ý trong quá trình làm bài, vận dụng các kỹ năng sử dụng máy tính cá nhân để rút ngắn nhất thời gian làm bài.

Đề tham khảo môn Ngữ văn giữ nguyên cấu trúc cũ và có sự giảm bớt về độ khó

Nhận xét về đề thi tham khảo môn Ngữ Văn, cô Phạm Thị Thu Phương – giáo viên Tuyensinh247.com cho hay, Đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ nguyên thời lượng và cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Đề tham khảo môn Ngữ văn giữ nguyên cấu trúc cũ và có sự giảm bớt về độ khó đã mang lại cảm giác yên tâm cho cả giáo viên và học sinh trong giai đoạn học tập và ôn thi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh trong suốt thời gian qua.

Về cấu trúc đề tham khảo, cô Thu Phương phân tích: Đề gồm 2 phần: Phần I: Đọc hiểu (3 điểm). Đề cung cấp 01 văn bản đọc hiểu là một đoạn thơ với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1 và câu 2) đến thông hiểu (câu 3), rồi đến vận dụng (câu 4). Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,25 điểm.

Phần II: Làm văn (7 điểm) gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội- giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ đưa ra vấn đề tư tưởng đạo lí “sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Đây là vấn đề thiết thực, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích, từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường- là một nét phong cách nghệ thuật tiêu biểu của nhà văn. Đề cung cấp sẵn văn bản đoạn trích sẽ giảm nhẹ gánh nặng học thuộc dẫn chứng, nhưng sẽ đòi hỏi kĩ năng lập ý và phân tích ở học sinh. Vì vậy sẽ tránh được tình trạng điểm quá kém, nhưng để bật lên điểm giỏi- 4 điểm trở lên, các em học sinh cần có khả năng tư duy, khả năng cảm thụ và khả năng diễn đạt ở mức độ tốt. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm.

Để giúp học sinh ôn tập hiệu quả đối với kì thi, cô Thu Phương gợi ý, tranh thủ vừa học bài mới vừa ôn tập lại các kiến thức đã học từ đầu năm. Kiến thức phần văn học cần được hệ thống theo hình thức sơ đồ tư duy và lập bảng để việc ghi nhớ được thuận lợi và bền vững. Có kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác. Tăng cường luyện tập các dạng bài: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học để hình thành các kỹ năng cần thiết. Làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lí tốt nhất./.

Mỹ Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/de-thi-tham-khao-mon-toan-ngu-van-vua-suc-577787.html