Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia: Có đánh đố thí sinh?

Sáng 25.6, môn Ngữ văn mở màn cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã diễn ra suôn sẻ, không có thông tin về lọt, lộ đề thi; tuy nhiên, đã nổ ra những cuộc tranh luận về mức độ khó, tính chất 'đánh đố' thí sinh của đề thi năm nay.

Thí sinh THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề ra theo cấu trúc quen thuộc, gồm “Đọc hiểu” (3 điểm) và “Làm văn” (7 điểm). Nhận xét ban đầu là nội dung, yêu cầu đề thi mới, không dành cho những thí sinh chỉ biết học tủ, học vẹt. Hầu hết các câu hỏi đều hướng đến sự vận dụng kiến thức, đòi hỏi tư duy, sáng tạo, nhận định riêng.

Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề cũng nằm ngay chính điểm mới này.

Nội dung đoạn trích bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy đề cập một vấn đề thời sự. Tuy thể loại thơ nhưng nội dung lại nghiêng về phương diện địa lý-kinh tế. Các câu hỏi từ 1-3 đơn giản, hầu hết thí sinh sẽ giải quyết được.

Câu 4: “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay hay không? Vì sao?” là một câu hỏi rất khó.

Trước hết thí sinh phải xác định được quan điểm của tác giả, đồng thời soi chiếu vào thực tiễn ngày nay về tính chất, mức độ khai thác tiềm lực tự nhiên quốc gia; đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững về chuyên môn hẹp của địa lý đương đại.

Để lý giải vấn đề cũng cần có thời gian và kiến thức. Tóm lại, đây là một yêu cầu quá sức thí sinh.

Câu 1 phần Làm văn “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay”. Hầu hết học sinh trung bình đều khó lòng giải quyết được vấn đề này.

Một số học sinh khác xác định được yêu cầu của đề thì cũng trình bày chung chung, dạng hô khẩu hiệu, đại khái “cần nỗ lực tu dưỡng, học tập, rèn luyện để khai thác tốt hơn tiềm lực đất nước vì sự phát triển”. Nói chung, đây là một câu hỏi khó và không hay.

Câu Làm văn 5 điểm (Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa”). Từ đó, liên hệ giữa sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (“Hai đứa trẻ”) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”) có thể nói là quá khó.

Kiến thức rơi vào cả hai lớp 11,12, yêu cầu tổng hợp, khái quát. “Nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả” là vấn đề thuộc về lí luận, quá “khó nhằn” với hầu hết học sinh không chuyên.

Câu này không phù hợp với đề thi tốt nghiệp, đúng ra dành cho tuyển sinh Đại học, thạc sĩ.

Nhiều thí sinh nhận xét “Đề Ngữ văn thi THPT quốc gia hay nhưng khó, sẽ không nhiều bài điểm cao”.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/de-thi-ngu-van-thpt-quoc-gia-co-danh-do-thi-sinh-614755.ldo