Đề thi Ngữ văn được nhận xét vừa sức, khá hay, có tính phân loại thí sinh

Sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn sáng nay, nhiều thí sinh cho biết đề thi dễ, vừa sức và tự tin vì làm được bài.

Ghi nhận tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TPHCM, em Nguyễn Tiến Dũng cho biết, phần nghị luận xã hội cá nhân em thấy rất hay, có thể liên hệ nhiều trong thực tế cuộc sống để làm sáng tỏ sự cần thiết phải trân trọng giá trị sống mỗi ngày.

Hầu hết các thí sinh đều nhận định đề thi nằm trong dự đoán, tuy câu hỏi dài nhưng không đánh đố thí sinh, các em tự tin đạt 7-8 điểm trở lên. Ảnh: TD

Hầu hết các thí sinh đều nhận định đề thi nằm trong dự đoán, tuy câu hỏi dài nhưng không đánh đố thí sinh, các em tự tin đạt 7-8 điểm trở lên. Ảnh: TD

"Cá nhân em mặc dù thi để xét tuyển vào khối A nhưng với đề thi năm nay em tự tin nghĩ mình có thể được khoảng 7- điểm", Dũng vui vẻ kể.

Tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ, quận 3, TPHCM, em Bùi Thanh Duy cho biết, đề thi không nằm ngoài các kiến thức đã ôn tập. Phần đọc hiểu gồm 4 câu tương đối đơn giản.

Cũng theo Duy, phần nghị luận xã hội về trân trọng cuộc sống, khá phù hợp với lứa tuổi trẻ đôi mươi. Riêng phần nghị luận văn học, yêu cầu phân tích tư tưởng Đất nước nhân dân trong bài thơ Đất nước cũng không quá phức tạp.

Tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, em Trần Diệu Linh cũng cho rằng đề Ngữ văn năm nay không khó, nội dung bám sát chương trình học. Với các kiến thức trong đề thi chúng em đã được ôn luyện nhiều nên không bị làm khó. Câu nghị luận văn học cũng không ngoài dự đoán.

Nhận xét đề thi, thầy Bạch Trọng Nhân, giáo viên Văn Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM đánh giá, đề thi nhìn chung khá dễ, đoạn trích Đất Nước nằm trong trọng tâm ôn tập của nhiều thầy cô cho nên các em sẽ không bỡ ngỡ và tự tin làm bài.

Đồng thời, trong bối cảnh cả nước đang chung sức chung lòng chống lại dịch bệnh thì đề còn nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay. Cách hỏi phần đọc hiểu quen thuộc, học sinh đã được ôn tập rất nhiều.

Ý kiến của cô Nguyễn Thị Thu Phượng, giáo viên môn Văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết, đề vừa tầm với thí sinh. Tất cả các câu hỏi đều rõ ràng, mạch lạc, không lắt léo hay đánh đố học sinh, nhưng nó gợi mở khả năng và phân hóa thí

"Bài thi nằm trong tổng thể logic, chặt chẽ, mối quan hệ gắn bó thân thiết dẫn dắt từ thiên nhiên tới giá trị sống của mỗi cá nhân. Phần cuối cùng là liên hệ tới giá trị của đất nước. Với những học sinh khá giỏi, có vốn ngôn ngữ, vốn từ sâu sắc cũng sẽ được phân hóa bởi đề thi này', cô Phượng nói thêm.

Với một cách nhìn khác, Cô Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nêu quan điểm, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, theo cô Tuyết, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi- chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò.

Bài nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975.

Và đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.

“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học- câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi”, giáo viên này cho hay.

Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần Đọc hiểu (3 điểm) và phần Làm văn (7 điểm).

Trong phần Đọc hiểu, đoạn trích từ tác phẩm Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường của tác giả Inamori Kazuo được đưa vào đề thi.

Trong phần Làm văn, ở câu nghị luận văn học các thí sinh được gặp lại trường ca Mặt đường khát vọng qua đoạn trích "Đất nước" của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

D.Ngân- Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/de-thi-ngu-van-duoc-nhan-xet-vua-suc-kha-hay-co-tinh-phan-loai-thi-sinh-131476.html