Đề thi môn sử không còn bắt ghi nhớ máy móc

Thí sinh Hà Nội kết thúc bài thi cuối cùng trong cơn mưa tầm tã, nhiều thí sinh khá thoải mái vì đề thi không quá khó, không bắt ghi nhớ số liệu máy móc.

Ngọc Dương

[VIDEO] Đã có 2 cháu ngoại vẫn quyết chí thi THPT Quốc gia

Tổ giáo viên môn lịch sử của Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Điểm đáng chú ý, trước đây, đề thi lịch sử thường được cho là nặng về việc kiểm tra mức độ nhớ sự kiện của thí sinh đặc biệt là khi có thông tin môn sử được tổ chức thi trắc nghiệm thì dư luận vẫn cho rằng đề trắc nghiệm chỉ kiểm tra được mức độ nhớ. Trong đề thi năm nay, không có các câu hỏi kiểm tra về nhớ mốc thời gian, mà các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra mức độ hiểu.

Năm nay, xuất hiện nhiều câu hỏi về Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũng như tác động của Cách mạng tháng 10 Nga với quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Đây được cho là điểm khá thú vị của đề thi.

Có khoảng 10% tổng số câu hỏi của đề thi thuộc dạng bài so sánh. Theo đó, để làm được bài đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức về các sự kiện, đồng thời phải có sự phân tích, tổng hợp, bao quát và đánh giá vấn đề mới có thể hoàn thành tốt. Đây là phần đề để phân hóa học sinh giỏi, yêu thích môn lịch sử.

Đề thi môn địa lý được đánh giá là an toàn, độ phân hóa ở mức chấp nhận được. Từ câu 62 của đề thi bắt đầu có sự phân hóa (tức là 50% tổng số câu hỏi được dùng để xét tốt nghiệp, 50% số câu hỏi được dùng để phân loại trình độ thí sinh).

Năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình địa lý 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỷ lệ câu hỏi thuộc chương trình địa lý 11 là 20%, còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu không có câu hỏi vận dụng cao; các câu hỏi lớp 11 tập trung vào chuyên đề địa lý khu vực và quốc gia.

[VIDEO] Những giấc trưa không trọn vẹn ở trường thi

Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 75 đến 80. Số câu hỏi thực hành có xu hướng tăng, tỷ lệ cao hơn hẳn so với năm 2017 và đề tham khảo (15 câu thực hành, trong đó 11 câu Atlat).

So với đề thi năm 2017, đề thi không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ và tương tự đề thi tham khảo của Bộ đã công bố hồi tháng 1.2018.

Đề thi môn địa tiếp tục nêu một vấn đề luôn mang tính thời sự - vấn đề biển đảo Việt Nam. Cụ thể ở các câu câu 68 mã đề 302 nói về nhân tố để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam, câu 43 mã đề 301 nói về ảnh hưởng của Biển Đông với tự nhiên Việt Nam.

Thanh Niên

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/de-thi-mon-su-khong-con-bat-ghi-nho-may-moc-977524.html