Đề thi, gợi ý đáp án môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2020

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tại Hà Nội năm 2020 có nội dung về những câu thơ của Viễn Phương về Bác...

Sáng nay 17/7, 89.000 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại Hà Nội với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm 2020 tại Hà Nội:

Đánh giá đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội

Nhận định về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Anhxtanh cho biết: Đề thi văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc như đề thi năm trước với hai phần.

Phần I kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản Viếng lăng Bác - bài thơ các em được học trong chương trình học kì II lớp 9, khi trở lại học sau đợt nghỉ dịch Covid - 19.

Phần II là một câu chuyện ngắn trích trong sách Ngữ văn 9 và yêu cầu nghị luận về mối quan hệ giữa cách ứng xử và nhân cách của con người.

Nội dung kiến thức đề ra nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Không có câu hỏi nào nằm trong phần giảm tải kiến thức mà Bộ Giáo dục đã công bố.

Với cấu trúc quen thuộc, các câu hỏi vào những phần kiến thức các em mới được học, ôn tập. Những học sinh có quá trình ôn tập chu đáo, kĩ năng làm bài thành thạo sẽ hoàn thành tốt đề thi này. Phổ điểm chủ yếu sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm.

Còn cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Liên cấp Wellspring đánh giá đề thi Văn năm nay cơ bản vừa sức với học sinh, kiểm tra toàn diện kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Với đề này, học sinh đã ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô trên lớp sẽ làm được phổ điểm từ 6-7,5 là có thể đạt được.

Phần I kiểm tra về Viếng Lăng Bác với những câu hỏi cơ bản kiểm tra kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, biện pháp tu từ, nghị luận về khổ 3 bài thờ câu hỏi liên hệ đến tác phẩm viết về Bác.

Phần II, ngữ liệu nằm trong SGK văn 9 quen thuộc, câu hỏi nghị luận đưa ra ý kiến thuộc vấn đề tư tưởng đạo lí, học sinh cần đi theo các thao tác nghị luận giải thích và chứng minh vì sao “cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi người”, đồng thời liên hệ và đưa dẫn chứng thuyết phục. Để được trên 8, học sinh cần diễn đạt trôi chảy, cảm thụ tốt vấn đề, thể hiện hiểu biết xã hội sâu sắc.

Sau đây là gợi ý đáp án môn Ngữ văn vào lớp 10 năm 2020 tại Hà Nội do thầy cô trong Hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện:

Phần I

Câu 1:
Bài thơ ra đời vào năm 1976 – một năm sau khi đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành. Nhà thơ Viễn Phương ra miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ in trong tập “Như mây mùa xuân”.

Câu 2:
- Hình ảnh thực: “mặt trời đi qua trên lăng”.
- Hình ảnh ẩn dụ: “mặt trời trong lăng rất đỏ”.
- Tác dụng:
+ Gợi những liên tưởng và suy ngẫm sâu xa.
+ Nhấn mạnh tầm vóc và công lao to lớn, vĩ đại của Bác dành cho dân tộc.
+ Thể hiện sự yêu quý, kính trọng, biết ơn của tác giả dành cho Bác.

Câu 3:

1. Về hình thức

- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu.
- Hình thức lập luận: diễn dịch.
- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: có sử dụng phép nối và câu chứa thành phần biệt lập tình thái (gạch dưới, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép nối và thành phần biệt lập).

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả thể hiện ở khổ thơ thứ 3 của bài Viếng lăng Bác.
b. Triển khai vấn đề
* Niềm xúc động của nhà thơ khi đứng trước di hài của Bác:
- Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh vừa làm vợi bớt đau thương vừa gợi hình ảnh Bác thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu.
- Hình ảnh “vầng trăng” dịu hiền gợi liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác vừa gợi đến những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Bác.

* Những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về sự cao cả, vĩ đại của Bác:
- Trời xanh” là hình ảnh ẩn dụ gợi suy ngẫm về sự cao cả, vĩ đại, bất tử của Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước.
- Cấu trúc đối lập “vẫn biết… mà sao” và câu cảm thán diễn tả nỗi đau vô hạn của tác giả khi đứng trước di hài của Người.

Câu 4:

Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn THCS cũng viết về Bác Hồ: “Đêm nay Bác không ngủ” (Minh Huệ) hay “Phong cách Hồ Chí Minh” (Lê Anh Trà) hoặc “Đức tính giản dị của Bác Hồ” (Phạm Văn Đồng).

Phần II

Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: tự sự.

Câu 2:

Câu nói: “Thưa thầy, với thầy con vẫn là đứa họ trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...” thể hiện vị danh tướng là một người:
- Biết giữ đúng “đạo học trò”, biết tôn trọng và đề cao vai trò của người thầy.
- Là một người biết sống ân nghĩa, luôn ghi nhớ và biết ơn công lao dạy dỗ của thầy.
- Là một người khiêm tốn, có nhân cách cao đẹp, dù ở địa vị cao vẫn luôn tôn trọng thầy, coi trọng mối quan hệ, tình nghĩa thầy trò hơn quan hệ xã hội.

Câu 3:

1. Về hình thức

Bài viết có dung lượng khoảng 2/3 trang giấy, đảm bảo đúng cấu trúc ngữ pháp, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, không mắc lỗi chính tả, khuyến khích bài viết có những sáng tạo riêng.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Vai trò của cách ứng xử trong việc thể hiện nhân cách của mỗi con người.
b. Triển khai vấn đề

* Giải thích
- Cách ứng xử: cách con người phản ứng lại trước sự tác động của môi trường xung quanh; thể hiện ở hành động, thái độ, cử chỉ, lời nói… đối với cá nhân, tập thể và môi trường tự nhiên.
- Nhân cách: tư cách và phẩm chất con người.
- Ý nghĩa cả câu nói: Vai trò của cách ứng xử trong việc thể hiện nhân cách của mỗi con người.

* Bàn luận
- Cách ứng xử biểu hiện nhân cách của mỗi con người
+ Thông qua cách ứng xử, mỗi người tự bộc lộ “chân dung” bên ngoài lẫn đời sống nội tâm bên trong.
+ Nhờ vào cách ứng xử, mọi người sẽ hiểu ta là ai và là người như thế nào. Từ đó có nhận định, đánh giá chân thực về mỗi con người.

* Mở rộng vấn đề
- Cách ứng xử giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, là nền tảng để tạo nên văn hóa ứng xử của một xã hội văn minh, tiến bộ.
- Cách ứng xử là cái bên ngoài, dễ nhận thấy; nhân cách là cái bên trong, không dễ xem xét, đánh giá. Do vậy, không thể đánh giá một con người chỉ thông qua cách ứng xử trong một hoàn cảnh nhất định; cần có cái nhìn toàn diện, khách quan.

* Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của cách ứng xử.
- Điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân trong mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/dap-an-de-thi-mon-ngu-van-vao-lop-10-tai-ha-noi-nam-2020-258789.html