Đề thi chuyên hỏi về đức hạnh và nhan sắc trong hôn nhân có quá khó với học sinh lớp 9?

Lần đầu tiên tuyển sinh nhưng đề thi chuyên Văn lớp 10 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội đã khiến giáo viên dạy Văn cũng phải nhận định là khó.

Là năm đầu tiên tuyển sinh lớp 10 chuyên Khoa học và Nhân văn của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, thí sinh dự thi chuyên Văn ngày 13/7 của trường này chia sẻ đề khá khó và dài dù chỉ có 2 câu hỏi.

Theo đánh giá của giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề thi Văn chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm nay kiểm tra khá sâu kiến thức lý luận và vốn văn học của học sinh. Các câu hỏi không lắt léo hay đánh đố nhưng đều có độ khó cao.

Phần Nghị luận văn học, đề yêu cầu cao về vấn đề lý luận giá trị văn học và tiếp nhận văn học.

Đây cũng là yêu cầu khó đối với học sinh lớp 9. Phần này đưa ra một câu viết của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”. Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận ý kiến trên.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI, câu nghị luận văn học đặt ra những vấn đề quen thuộc của lý luận văn học, đó là chức năng của văn học nói chung, hai phạm trù nội dung – nghệ thuật của thơ nói riêng.

Vấn đề tuy quen thuộc nhưng không hề dễ với học trò lớp 9 khi các em phải nhận ra vai trò, giá trị, ý nghĩa của văn chương, của thơ với cuộc sống qua cụm từ tưởng chỉ như một lời dẫn: “Thơ đối với cuộc sống…”; phải giải mã được hai khái niệm “nhan sắc” và “đức hạnh” trong hình ảnh so sánh “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình…”; và quan trọng nhất, thí sinh phải thấy được mối quan hệ biện chứng giữa “nhan sắc” và “đức hạnh” của thơ với cuộc sống con người.

"Đây là vấn đề không hề đơn giản với những học trò lớp 9, khi một thời, người lớn cũng còn cực đoan, thiên lệch, chỉ quan tâm tới “đức hạnh” của thơ mà bỏ bê “nhan sắc”; chỉ soi cho bằng ra những thông điệp tư tưởng mà coi nhẹ tiêu chí vẻ đẹp ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu… của thơ, lẫn lộn thơ/vè tuyên truyền với thơ ca nghệ thuật; chỉ lo “tải đạo/ ngôn chí” mà quên tính thẩm mỹ đặc thù của phương tiện chuyên chở…", cô Tuyết nói.

Cô Tuyết cũng gợi ý rằng, thí sinh phải mở rộng được khái niệm “nhan sắc”, đó không hẳn là sự du dương, lấp lánh của ngôn từ, nhạc điệu mà chủ yếu là sự đắc địa trong khả năng biểu đạt, biểu cảm, và vì vậy, đó là một thứ hình thức chứa nội dung; cũng như thế, khái niệm “đức hạnh” không nên giới hạn ở nội dung tư tưởng trong mỗi thời điểm của cuộc sống xã hội, mà phải hướng tới những giá trị mang tính vĩnh hằng, đó là sự tử tế, nhân văn trong tất cả các mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh mình.

Phần nghị luận xã hội hướng về vấn đề rất thực tế - cơ hội thể hiện bản thân. Tuy nhiên, đề lại chủ yếu yêu cầu bàn luận về tác động của người khác trong việc thể hiện cái tôi cá nhân.

Câu hỏi yêu cầu học sinh có chính kiến, biết phản đề và bảo vệ quan điểm của mình. Với câu hỏi dạng này, học sinh dễ gặp khó khăn trong việc lấy dẫn chứng. Bên cạnh việc biết lập luận, thí sinh cần có hiểu biết thực tế, già dặn trong tư duy mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/de-thi-chuyen-hoi-ve-duc-hanh-va-nhan-sac-trong-hon-nhan-co-qua-kho-voi-hoc-sinh-lop-9/860102.antd