Để thể thao trở thành con gà đẻ trứng vàng (Bài cuối): Phải coi thể thao là một ngành kinh tế

Để góp phần trả lời câu hỏi làm thế nào để thể thao trở thành 'con gà đẻ trứng vàng', đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước, Văn Hóa đã trao đổi với TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương.

Đua ngựa là môn góp phần phát triển kinh tế thể thao ở nước ta

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập ngày càng sâu, rộng, Thể thao là 1 trong 11 nhóm mặt hàng dịch vụ cũng phải thực hiện lộ trình mở cửa cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Thực tế, ở nước ta các hoạt động kinh tế liên quan đến thể thao đã phát triển rất nhanh chóng, xuất hiện nhiều tập đoàn đầu tư sản xuất, cung cấp dịch vụ thể thao; bên cạnh đó tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái… ngày càng phổ biến do Việt Nam chưa có chính sách phát triển kinh tế thể thao. Đây là lĩnh vực kinh tế đặc thù gắn kết giữa thể dục thể thao với các ngành kinh tế khác trong việc cung cấp, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thể thao. Tuy nhiên, vấn đề phát triển thị trường dịch vụ thể thao, kéo theo đó là nhiều ngành sản xuất đòi hỏi chính sách kinh tế phải có tác động trực tiếp nhằm đặt được mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Nếu có chính sách kinh tế thúc đẩy phát triển thể thao thì chính các hoạt động thể thao sẽ tác động trở lại, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

P.V: Thưa TS Đoàn Ngọc Xuân, nhiều chuyên gia cho rằng, ở nước ta kinh tế thể thao đã từng bước hình thành và phát triển nhưng còn rất nhiều rào cản do chưa có chính sách phù hợp. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

- TS Đoàn Ngọc Xuân: Trong thành tựu đổi mới của đất nước hơn 35 năm qua, thể thao đã từng bước phát triển và có đóng góp không nhỏ, các hoạt động kinh tế có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thể thao có quy mô ngày càng lớn. Do chưa có chính sách cụ thể cho phát triển kinh tế thể thao nên chưa có số liệu thống kê chính thức. Nhưng nếu tham chiếu với các nền kinh tế mới nổi có đặc điểm tương đồng cũng như yêu thích thể thao như người dân Việt Nam thì có thể ước tính, kinh tế thể thao đóng góp khoảng 2,5- 3% GDP (Mỹ khoảng 4- 4,5%; Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc khoảng trên 3% GDP...). Theo các báo cáo mà chúng tôi tìm hiểu được, hiện nay nước ta đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thể thao có doanh thu trên 1.000 tỉ/năm, sử dụng hàng ngàn lao động, cá biệt có một số tập đoàn đã phát triển hơn 30 năm nay. Với quy mô thị trường khá lớn gần 100 triệu người, có niềm đam mê thể thao, luôn có ý thức nâng cao sức khỏe; với sự năng động, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế và hội nhập, kinh tế thể thao ở Việt Nam có tiềm năng và nếu có chính sách phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển đúng hướng, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Thành tích của thể thao trong thời gian qua đã kích thích sự phát triển của kinh tế thể thao

Mặc dù, năm 2017 Luật Thể dục thể thao sửa đổi, đã có quy định về đặt cược thể thao (là một trong các chỉ tiêu phản ánh nội dung kinh tế thể thao), nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện do chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Độ trễ của chính sách làm kìm hãm phát triển kinh tế thể thao cũng như hoạt động thể dục thể thao nói chung.

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta là do tưduy phát triển kinh tế thể thao?

- Phát triển thể thao nhằm tạo môi trường cho các hoạt động thể dục thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, tinh thần sảng khoái cho người dân, mà còn góp phần quan trọng tạo nguồn nhân lực có sức khỏe tốt, là vốn quý của xã hội trong phát triển đất nước. Khi con người có sức khỏe sẽ hăng say lao động, sáng tạo, kéo theo nhiều nhu cầu khác để chăm sóc, giữ gìn sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Đó là điều kiện, tiền đề cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dụng cụ, trang phục, thiết bị thể thao, xây dựng các công trình, cơ sở vật chất thể thao, đến các hoạt động cung ứng dịch vụ tập luyện thể thao cũng như các phòng tập gym, sân đánh golf, sân chơi tennis, bể bơi…

Không chỉ dừng lại ở đó, các hoạt động, các giải đấu thể thao là phương tiện rất hữu dụng, hiệu quả để doanh nghiệp triển khai hoạt động marketing, quảng bá cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, chính thể thao cũng là sản phẩm của hoạt động truyền thông, báo chí nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng... Từ đó tạo công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn người, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra một chuỗi các giá trị sản xuất và tiêu dùng liên quan đến các hoạt động thể thao. Dù tiềm năng lớn như vậy nhưng hiện nay kinh tế thể thao ở nước ta mới đang phát triển theo hướng tự phát, chính sách kinh tế đối với hàng hóa, dịch vụ thể thao như các hàng hóa, dịch vụ thương mại thông thường khác, nghĩa là có cầu thì có cung, mà chưa có chính sách kinh tế cho đặc thù gắn với hoạt động thể thao. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đi đầu trong hội nhập dù đã mở cửa với độ mở rất lớn nhưng chính sách phát triển trong nước vẫn chưa theo kịp với sự phát triển và hội nhập, trong đó có các chính sách liên quan đến kinh tế thể thao.

Vậy chúng ta phải làm gì để kinh tế thể thao phát triển, đóng góp vào nền kinh tế của đất nước?

- Trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức, phải coi thể thao là một ngành kinh tế gắn với hoạt động thể thao. Để có những chính sách kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thể thao phát triển cần có sự thay đổi cơ bản từ tư duy, nhận thức và các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển thể thao. Nếu không có chính sách phát triển kinh tế thể thao cụ thể thì khó có thể tạo điều kiện cho thể thao phát triển, vì khi thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế mở cửa thị trường mà thiếu chính sách kinh tế ngành thì khó có thể khuyến khích sản xuất trong nước, đánh mất thị trường trong nước, hàng hóa bên ngoài tràn vào qua buôn lậu, hàng nhái, hàng giả thì sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước; thị trường dịch vụ thể thao sẽ rơi vào các tập đoàn nước ngoài… Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động thể thao, nhất là chính sách khuyến khích các ngành sản xuất, các dịch vụ liên quan đến hoạt động thể thao để kích thích lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, các chính sách này phải được xây dựng bài bản để kích thích sự phát triển của kinh tế thể thao. Phải coi kinh tế thể thao là một ngành kinh tế đặc thù, các đóng góp hàng hóa, dịch vụ vào các hoạt động thể dục thể thao hình thành nên chuỗi giá trị dịch vụ mang lại lợi ích trực tiếp, gián tiếp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia…

Xin cảm ơn TS!

Điều kiện để thể thao thu thêm nguồn lực

Phát triển kinh tế thể thao là xu thế tất yếu, không chỉ đặt ra những yêu cầu mới trong nhận thức, tư duy và cách thức quản lý đối với hoạt động TDTT mà còn là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực TDTT thu nhận thêm nguồn lực tài chính từ chính các hoạt động của mình, cùng với sự đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT, đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng xã hội của TDTT. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất ban hành một văn bản chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế thể thao ở nước ta tại thời điểm này là rất cần thiết nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm, định hướng và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế thể thao trong thời gian tới.

(Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT NGUYỄN HỒNG MINH)

THU SÂM (thực hiện)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/artmid/422/articleid/40812/de-the-thao-tro-thanh-con-ga-de-trung-vang-bai-cuoi-phai-coi-the-thao-la-mot-nganh-kinh-te