Để thế hệ sau ít phụ thuộc hơn vào may rủi

Với phong thái từ tốn, ấm áp của người làm giáo dục nhiều hơn là một doanh nhân thành công khá sớm ở lĩnh vực tài chính, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO Arkki Việt Nam đã có 25 năm kinh nghiệm trong thương trường.

Tranh Hoàng Tường.

Tranh Hoàng Tường.

Sinh ra trong gia đình nhiều thế hệ làm nghề giáo ở Gò Công, bà Thu Trúc thừa hưởng các chuẩn mực, nề nếp của nếp sống trí thức Nam bộ xưa. Ở tuổi 36, khi đang giữ vị trí phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, bà Thu Trúc quyết định chuyển hướng sang giáo dục.

Những năm quá bận rộn với công việc, thiếu thời gian để tìm hiểu sâu về nuôi dạy con, để rồi vào độ tuổi chín nhất của sự nghiệp, bà khước từ thăng tiến, tập trung nghiên cứu một số mô hình giáo dục đang được đánh giá cao tại các nước phát triển.

Kể từ ngày bà cắt băng khánh thành ngôi trườngVstar – dự án giáo dục đầu tiên của mình đến nay cũng đã 10 năm; sau đó là xây dựng hệ thống trường mầm non Clover Montessori (Cỏ Ba Lá), gần đây là nhượng quyền từ Phần Lan – nhập khẩu về Việt Nam chương trình đào tạo Arkki dành cho thiếu nhi và người lớn, có phải bà đang hướng đến đối tượng học sinh ngày càng nhỏ tuổi?

Tôi có hơn ba năm tự nghiên cứu, chín tháng tham gia đào tạo và thực hành về phương pháp giáo dục Montessori.

Theo tiến sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori thì sáu năm đầu đời là giai đoạn quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của trẻ. Giai đoạn này hình thành nên tính cách và trí tuệ của cả một đời người. Não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức của trẻ hoạt động rất nhanh và mạnh mẽ.

Đây cũng là giai đoạn trẻ phát triển hiệu quả nhất những yếu tố về mặt thể lực như nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ, yêu thích vận động. Tuy nhiên nền giáo dục hiện tại chưa nghiên cứu đủ sâu để đánh giá đúng tầm quan trọng của độ tuổi 0-6 trong việc hình thành toàn bộ con người sau này của trẻ em.

Nhiều người cho rằng làm phụ huynh ở Việt Nam thật khó: Hệ thống giáo dục cũ kỹ lạc hậu, trẻ em có quá nhiều thứ phải học, thời gian cho việc học kỹ năng vừa ít vừa không biết phải bắt đầu từ đâu – bà nghĩ thế nào về điều này?

Tôi cũng cho rằng so với các nước phát triển đã hình thành một nền giáo dục chuẩn mực, chất lượng thì phụ huynh Việt Nam chịu khá nhiều áp lực. Ngay bản thân tôi cũng có nhiều điều tiếc nuối khi nghĩ đến quá trình nuôi dạy con trai đầu của mình.

Áp đặt trẻ theo các chuẩn mực xưa cũ không phải là cách tốt nhất để trẻ đủ tự tin, đủ kỹ năng khi bước ra xã hội.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo, mẹ là giáo viên, tôi được dạy dỗ chu đáo nhưng cũng rất khắt khe. Khi có con, tôi cũng dạy con theo cách y như vậy. Dù nhớ rằng hồi nhỏ mình không vui, không thích khi bị áp đặt nhiều nhưng khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng nhờ đó mà mình được như hôm nay. Tôi không nghĩ sẽ có cách dạy nào khác để con mình có một tuổi thơ vui vẻ hơn, chơi đùa nhiều hơn mà vẫn được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi bước ra xã hội.

Học hết cấp 2, con trai tôi kiên quyết đòi đi du học và được chấp nhận. Mấy năm sau tôi hỏi con vì sao muốn rời gia đình sớm như vậy, con tôi trả lời: “Vì con muốn được tự do!”.

Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã áp đặt con theo lối dạy ngày xưa quá nhiều. Rút kinh nghiệm, với bé thứ hai nhỏ hơn bảy tuổi, tôi đã dạy theo cách cởi mở hơn, cho con quyền được tranh luận, được tự quyết nhiều hơn. Và tôi nhận thấy áp đặt trẻ theo các chuẩn mực xưa cũ không phải là cách tốt nhất để trẻ đủ tự tin, đủ kỹ năng khi bước ra xã hội.

Tất nhiên, cùng với việc cởi mở hơn với trẻ, phụ huynh phải nắm rõ tâm lý từng độ tuổi của trẻ, phải hiểu rõ những khác biệt của cuộc sống hôm nay so với cuộc sống của mình khi ở vào lứa tuổi của con. Đặc biệt, với bối cảnh nền kinh tế thay đổi nhanh như hiện nay, phụ huynh phải có cả sự hình dung tương đối về xã hội trong một vài thập niên tới.

Theo bà, những trẻ em tiểu học hôm nay sẽ phải đối mặt với vấn đề gì trong mươi, mười lăm năm tới?

Chắc chắn các học sinh tiểu học hôm nay sẽ phải đối mặt với mức độ cạnh tranh cực kỳ gay gắt khi đến tuổi bắt đầu kiếm việc làm. Mức độ cạnh tranh khi đó không phải là người Việt với người Việt như lâu nay, mà là cạnh tranh giữa người với người máy, giữa người Việt với công dân của những quốc gia có nền giáo dục hoàn chỉnh hơn.

Theo một ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025 khoảng 52% khối lượng việc làm trên thế giới sẽ do người máy đảm nhiệm, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ hiện tại.

Dự báo xa hơn, 65% trẻ em vào trường tiểu học hôm nay (tức 6 tuổi) sẽ làm những công việc hoàn toàn mới, còn chưa xuất hiện ở hiện tại. Những ngành nghề liên quan đến hệ thống xử lý dữ liệu, công nghệ thông tin đang bị người máy và trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh với tốc độ nhanh nhất so với các ngành nghề khác. Nhưng ngay hiện nay, không ít phụ huynh Việt Nam vẫn đang định hướng con mình dành nhiều thời gian cho những môn học có liên quan đến các ngành nghề rủi ro cao này.

Vậy phụ huynh nên chuẩn bị thế nào cho con mình để thích nghi được với những thay đổi sắp tới, thưa bà?

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015, con người cần phải chuẩn bị kỹ năng học tập suốt đời để đối diện với một tương lai không đoán trước được. Kỹ năng học tập suốt đời bao gồm ba nhóm kỹ năng chính.

Thứ nhất là nhóm kỹ năng cơ bản, nền tảng bao gồm các môn văn hóa ngôn ngữ, toán, khoa học, tài chính và văn hóa xã hội. Đối với nhóm kỹ năng này tất cả chúng ta đều học rất nhiều và rất kỹ từ tiểu học lên phổ thông.

Thứ hai là nhóm kỹ năng thuộc về năng lực giúp người học tự tin đối diện với những vấn đề phức tạp trong tương lai, bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hợp tác.

Khi nói đến nhóm kỹ năng này chúng ta phải nghĩ đến môi trường làm việc không biên giới, công nghệ 4.0, làm việc trên đám mây. Con trẻ của chúng ta tương lai không chỉ làm việc với những người Việt Nam mà phải tham gia thị trường lao động quốc tế.

Vậy việc am hiểu văn hóa xã hội của những thành viên trong nhóm là rất quan trọng. Kỹ năng giao tiếp tích cực và hợp tác là vấn đề sống còn của những người tham gia nhóm. Nó không còn dừng ở chỗ chỉ cần biết tiếng Anh là đủ. Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác chỉ là phương tiện để con người giao tiếp với nhau, nhưng để có thể làm việc được cùng nhau, trẻ em cần kỹ năng giao tiếp và hợp tác.

Nhóm kỹ năng thứ ba là nhóm kỹ năng then chốt và đỉnh cao để giúp trẻ đạt được thành công trong cuộc sống. Đó là sự tò mò, dám bắt đầu, kiên trì bền bỉ, tính thích ứng, khả năng lãnh đạo, nhận thức văn hóa xã hội.

Tóm lại, trẻ con nên được phân bổ thời gian hợp lý để được học tập và rèn luyện cả ba nhóm kỹ năng nêu trên, như vậy tương lai của trẻ mới đủ vững vàng đối diện với những thách thức ngày càng phức tạp của cuộc sống. Việc chỉ tập trung vào điểm số các môn văn hóa ở nhóm kỹ năng thứ nhất sẽ không khiến trẻ hạnh phúc hơn và thành công hơn trong tương lai.

Được biết, bà được hấp thu hoàn toàn nền giáo dục Việt Nam kiểu cũ nhưng vẫn thành công sớm đó thôi?

Trong sự nghiệp tôi gặp nhiều may mắn. Tốt nghiệp ngành ngân hàng năm 1993 khi nhu cầu nhân sự ngành này đột ngột tăng vọt, tôi tìm được việc làm nhanh chóng và cũng nhận được nhiều sự chỉ dẫn trong nghề. Tuy nhiên những người tốt nghiệp trước tôi chỉ một năm thôi thì không may mắn như vậy, rất ít người xin được vào ngân hàng để làm đúng nghề, đa số phải bươn chải với nhiều công việc không liên quan.

Tôi thích một câu nói của người Phần Lan: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”.

Ngày đó, tôi rớt đại học một năm khi thi vào ngành thủy sản ở Cần Thơ. Nếu đậu đại học ngay năm đầu, có thể con đường ở ngân hàng của tôi đã không hanh thông như vậy. Tất nhiên là người đam mê công việc nên tôi luôn dành hết tâm sức với mọi việc được giao, nhưng cũng không thể phủ nhận yếu tố may mắn.

Tôi kỳ vọng thế hệ con mình sẽ ít phụ thuộc vào yếu tố may rủi hơn thế hệ của mình, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển biến ngày càng nhanh. Hơn nữa, sau khi tham gia nhiều chương trình học có yếu tố nước ngoài, tôi nhận ra rằng nếu ngành giáo dục được đổi mới, bám sát sự phát triển của kinh tế – khoa học – xã hội thì người học không chỉ có một cách học buồn chán duy nhất là thụ động đón nhận kiến thức. Chúng ta đều thấy nền giáo dục ở các nước tiên tiến đã cho trẻ em cân bằng giữa học và chơi, cho trẻ cách chơi mà vẫn có kiến thức, có kỹ năng để bước vào tương lai.

Tôi thích một câu nói của người Phần Lan: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”.

Nền giáo dục Phần Lan nổi tiếng là học ít, làm bài tập về nhà ít, thi ít nhưng chất lượng đầu ra học sinh – sinh viên vẫn cao. Theo bà chúng ta có thể học hỏi gì ở họ?

Tư duy những người quản lý giáo dục của Phần Lan rất khác Việt Nam. Chẳng hạn họ rất khắt khe trong tuyển lựa giáo viên. Vào mỗi đợt tuyển dụng giáo viên tại Phần Lan hằng năm, chỉ có 10% ứng viên đứng ở top đầu mới được duyệt để trở thành giáo viên chính thức. Và càng dạy học sinh nhỏ tuổi, yêu cầu về người đứng lớp càng khắt khe hơn. Vì thế nên công việc sư phạm tại Phần Lan luôn được mọi người kính trọng và có thu nhập tốt.

Ngoài ra, giáo dục công lập đạt chất lượng cao là kết quả không chỉ của các chính sách giáo dục mà còn nhờ vào chính sách xã hội hiệu quả. Để có thể học hỏi họ ở tầm vĩ mô, tôi cho là chúng ta cần nhiều thời gian, nhiều nỗ lực từ nhiều phía. Trước mắt, những người như chúng tôi đi tìm các mô hình giáo dục bổ sung cho những mặt mà nền giáo dục của chúng ta còn thiếu.

Chẳng hạn như cách kết nối các kiến thức học từ giáo khoa để giải thích và hiểu được sự vận hành của thế giới thực, các kỹ năng giải quyết vấn đề. Mà thật ra kỹ năng giải quyết vấn đề là gì? Đó chỉ đơn giản là sự hiểu được bản chất vấn đề và đưa ra hướng giải quyết. Nếu từ nhỏ, các em được rèn luyện cách quan sát, phân tích, tư duy và suy nghĩ tìm giải pháp để giải quyết từ những việc nhỏ quanh mình, chứ không chỉ có đến trường và học thuộc lòng, thì lâu dần các em sẽ tập được khả năng và thói quen tin tưởng rằng mình có thể giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống.

Bà có thể chia sẻ tại sao Arkki, chương trình ngoại khóa phát triển khả năng sáng tạo trẻ em mà bà mang về từ Phần Lan lại lấy kiến trúc làm nền tảng chuyển tải tư duy thiết kế, STEAM và hệ thống kỹ năng thế kỷ 21?

Kiến trúc là bộ môn đòi hỏi phối hợp kiến thức và kỹ năng của nhiều ngành nghề khác nhau, đòi hỏi óc thẩm mỹ và các thấu cảm sâu sắc về con người. Do đó, giáo dục kiến trúc cho trẻ em là một phương tiện đặc biệt phù hợp để cung cấp các dự án phức tạp, giúp trẻ em rèn luyện tư duy thiết kế và các kỹ năng quan trọng cần thiết cho công việc tương lai, dù ở bất cứ ngành nghề nào.

Kiến trúc còn cung cấp các dự án khác nhau, mà tự thân chúng đã rất kích thích trí tưởng tượng và hấp dẫn đối với trẻ em. Với giáo dục thông qua kiến trúc, trẻ em được làm việc với các cấu trúc ba chiều, thử nghiệm các nguyên vật liệu và công dụng cụ khác nhau với chính bàn tay cùng tất cả giác quan, được tự do khám phá và thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

Giáo dục kiến trúc còn cho các em cơ hội nhận trách nhiệm và tham gia vào quá trình phát triển các dự án, không chỉ gần gũi mà còn có tác động to lớn đến cuộc sống của các em hằng ngày – từ sáng tạo ra một đồ vật mới cho đến quy hoạch cả một thành phố.

Được thành lập ở Phần Lan vào năm 1993, Arkki là học viện chuyên đào tạo tư duy thiết kế – design thinking, giáo dục đa bộ môn – STEAM và hệ thống kỹ năng thế kỷ 21 dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Lấy kiến trúc làm nền tảng chuyển tải ba nội dung giáo dục trên, cốt lõi trong triết lý giáo dục của Arkki là “chơi đùa – sáng tạo – thành công với phương pháp tiếp cận 4P”. Trong đó 4P là Project (dự án), Peers (cộng sự), Passion (đam mê) và Play (chơi). Theo đó, các em sẽ được làm việc cùng nhau trên các dự án lý thú để phát triển ý tưởng, tạo ra các mẫu thử, khám phá các cách làm mới.

Đây là quá trình các em giao tiếp với nhau, chia sẻ ý tưởng với nhau, hợp tác cùng nhau trong một niềm đam mê chung.

Xin cảm ơn bà!

Cẩm Tú

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/de-the-he-sau-it-phu-thuoc-hon-vao-may-rui-18989.html