Đề tham khảo môn Ngữ văn: Ổn định về cấu trúc, đảm bảo tính phân hóa

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, theo nhiều giáo viên, đề ổn định về cấu trúc như các năm trước và đảm bảo tính phân hóa để xét tuyển ĐH.

Học sinh khối 12 Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh họa NTCC

Học sinh khối 12 Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh họa NTCC

Nhận xét về đề tham khảo môn Ngữ văn, cô Hồ Ái Linh- giáo viên Ngữ văn, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM chia sẻ, đề tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020.

Cụ thể, về thời lượng là 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT Quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài Nghị luận văn học 5 điểm.

Đây là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học sinh.

Ở phần Đọc hiểu, vẫn là 4 câu hỏi với 4 mức độ: Câu 1: Xác định thể thơ (nhận biết). Câu 2: Thông hiểu nhận biết dựa vào nội dung ngữ liệu. Câu 3,4: Có tính vận dụng cao hơn, học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng, suy nghĩ của mình lí giải về góc nhìn, suy nghĩ, tình cảm của bản thân với vấn đề được nêu trong đoạn thơ. Nội dung đoạn thơ ngoài ngữ liệu, cập nhật tình hình miền Trung và những sự kiện gần gũi với con người.

Học sinh khối 12 Trường THCS-THPT Đào Duy Anh trong giờ học. Ảnh minh họa M.Trần

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó.

Và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT.

Câu nghị luận văn học vẫn nằm trong khung chương trình ôn thi 12 như các năm trước. Đề thi có phạm vi ngữ liệu, yêu cầu đề rõ ràng.

Đặc biệt so với năm 2020, đề thi có thêm câu hỏi vận dụng để phân hóa học sinh. Điều này phù hợp với mục tiêu dùng kết quả để xét tuyển ĐH. Từ những căn cứ này, giáo viên sẽ dễ dàng chủ động ôn tập.

Nhìn chung, đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021 và khá quen thuộc đối với giáo viên học sinh.

Vì vậy, giáo viên sẽ có định hướng rõ ràng cho việc thiết kế bài dạy, ổn định nội dung chương trình học để có một kì thi thành công, hiệu quả. Với mức độ như vậy, nếu các em ôn tập tốt sẽ không khó để đạt 6-7 điểm, những em khá giỏi sẽ dễ lấy từ 7-9 điểm.

Học sinh tại TP.HCM dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Ảnh P.Nga

Tương tự, cô giáo Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương chia sẻ: Đề Ngữ văn có cấu trúc sát với đề thi năm 2019, 2020. Phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng. Với phần này các em dễ dàng để đạt điểm tối đa.

Ở phần nghị luận văn học dạng cơ bản, cần giải quyết 2 yêu cầu: phân tích hình tượng nhân vật trong đoạn trích và đuôi phân hóa (nhận xét về một đặc điểm trong phong cách nghệ thuật của tác giả).

Câu nghị luận xã hội nêu rõ yêu cầu nghị luận, phù hợp với dung lượng đoạn văn; nội dung có tính thời sự (liên hệ với tình hình thiên tai, dịch bệnh 2020...), mang tính giáo dục, nhân văn, lan tỏa những điều tốt đẹp.

Đề có tính phân hóa tốt, đảm bảo 2 yêu cầu xét tốt nghiệp và xét ĐH.

"Đề tham khảo là cơ sở để giáo viên xác định ma trận, cấu trúc đề để định hướng ôn tập cho học sinh khối 12 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới", cô Lưu Mai Tâm nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-tham-khao-mon-ngu-van-on-dinh-ve-cau-truc-dam-bao-tinh-phan-hoa-LNx2JNlGR.html