Đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 môn Sinh học: Mức độ khó giảm

Cô Nguyễn Thị Bích Dậu – giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) – đưa ra phân tích, nhận xét về đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 môn Sinh học, từ đó chia sẻ cách dạy học để giúp giáo viên, học sinh đạt kết quả tốt nhất.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Nội dung kiến thức có từ lớp 10 đến lớp 12

Đề tham khảo môn Sinh học có tổng số 40 câu hỏi trắc nghiệm; học sinh làm bài trong 50 phút. Nội dung kiến thức đề thi có ở cả chương trình học lớp 10, 11 và 12.

Cụ thể, Sinh học 10: Thành phần hóa học của tế bào: protein, axit nucleic (chiếm 5%);

Sinh học 11: Chương chuyển hóa vật chất và năng lượng (chiếm 10%);

Sinh học 12, phân bố đều các kiến thức của Sinh học 12: Cơ chế di truyền và biến dị, Quy luật di truyền, Di truyền quần thế, Di truyền người, Ứng dụng di truyền, Tiến hóa, Sinh thái (chiếm 85% số câu)

Về hình thức câu hỏi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi đếm giảm, chỉ còn 6/40 câu. Còn lại là các câu trắc nghiệm dạng lựa chọn một phương án đúng. Các câu tập trung hỏi về bản chất Sinh học.

Mức độ khó của đề giảm với 70% các câu ở mức độ nhớ - thông hiểu. Như vậy học sinh có thể dễ dàng đạt được điểm 6 – 7 hơn.

Lưu ý cách dạy và học từ đề thi tham khảo

Từ đề thi tham khảo, cô Nguyễn Thị Bích Dậu lưu ý chung học sinh khi ôn tập môn Sinh học. Theo đó, cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ, tư duy logic, tránh học thuộc lòng máy móc. Không nên quá chú trọng vào những câu hỏi khó hoặc toán sinh học một cách máy móc mà bỏ qua các câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Cùng với đó, học sinh cần tự hệ thống các công thức và các dạng bài tập; ôn tập thường xuyên, có kế hoạch; liên hệ kiến thức với thực tế và tăng cường tự học tự kiểm tra.

Lưu ý cách dạy học, cô Nguyễn Thị Bích Dậu chia sẻ, giáo viên nên nghiên cứu kĩ, tìm tòi các phương pháp, kĩ thuật phù hợp với nội dung bài học, đánh giá được năng lực người học.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh ôn tập và lên kế hoạch từ lớp 10, học theo thứ tự ưu tiên, nhấn mạnh nội dung cốt lõi.

Xây dựng các chủ đề dạy học, các chủ đề lớn lại được chia nhỏ thành các đơn vị kiến thức để học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức.

Khi dạy, các thầy cô chú ý liên hệ kiến thức giữa các bài, đơn vị kiến thức và với thực tế.

Đối với mỗi đơn vị kiến thức cần học theo cách: nắm chắc khái niệm, cơ chế, ý nghĩa (đặc biệt là những bài thuộc chương trình Sinh học 12).

“Các thầy cô nên xây dựng hệ thống các công thức và phương pháp giải bài tập Sinh học trong dạy học Sinh học THPT.

Tổ chức kiểm tra định kì theo hướng trắc nghiệm để học sinh rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm cũng như làm quen với hình thức thi THPT quốc gia” – cô Nguyễn Thị Bích Dậu chia sẻ thêm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-tham-khao-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-mon-sinh-hoc-muc-do-kho-giam-3968342-v.html