Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ về quốc phòng, kinh tế mà còn về môi trường. Hiện nay, Tây Nguyên gồm địa giới hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng với diện tích tới 56.119km2, chiếm 17,5% diện tích cả nước.

Có thể khẳng định, thời gian qua Tây Nguyên đã đạt được những thành quả to lớn về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để Tây Nguyên phát triển bền vững, cần thiết phải có những điều chỉnh nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ưu đãi, nghĩa là phải có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, là: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Già làng Tây Nguyên học hỏi kinh nghiệm tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi trong Dự án Khu Kinh tế-Quốc phòng Cư M’gar, thuộc địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc. Ảnh: Bình Định

Già làng Tây Nguyên học hỏi kinh nghiệm tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi trong Dự án Khu Kinh tế-Quốc phòng Cư M’gar, thuộc địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc. Ảnh: Bình Định

Trong “Lời nói đầu” của công trình “Các vùng tự nhiên Tây Nguyên” (1986), GS, TS Nguyễn Văn Chiển đã nhận định: “Thế mạnh trước mắt của Tây Nguyên là rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc lớn”. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 năm (1991-2000), đất nông nghiệp ở Tây Nguyên tăng lên rất nhanh, từ 8% năm 1991 lên đến 22,6% năm 2000 (454.300ha so với 1.233.600ha) gấp 2,7 lần, trong khi đó đất lâm nghiệp giảm từ 59,2% xuống còn 54,9% (3,329 triệu héc-ta so với 2,993 triệu héc-ta).

Cùng với giảm diện tích đất lâm nghiệp dẫn đến việc giảm diện tích rừng, kéo theo giảm độ che phủ. Năm 1995, độ che phủ rừng Tây Nguyên là 57%. Theo thống kê năm 2017, tổng diện tích rừng Tây Nguyên là 2.557.322ha, trong đó có 2.206.975ha rừng tự nhiên và 350.347ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ chỉ còn 46,01%. Mất rừng đồng nghĩa với việc mất vai trò giữ và tích lũy nước ở bất kỳ dạng nào.

Một ví dụ điển hình về việc mất rừng, đó là việc chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su ở Đắc Lắc. Theo quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, để ổn định diện tích cao su vào khoảng 280.000ha, Tây Nguyên sẽ phải trồng mới khoảng 95.000-100.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắc Lắc là 42.500ha. Điều này dẫn đến việc phải chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng khộp sang trồng cao su.

Rừng khộp là một kiểu rừng đặc trưng, ưu thế cây họ dầu ở Tây Nguyên và một số nước Đông Nam Á, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Sự tồn tại của rừng khộp góp phần duy trì cân bằng sinh thái nhờ sự phục hồi rất nhanh vào mùa mưa. Cần lưu ý rằng, rừng khộp phân bố trên các loại đất xấu, nghèo dinh dưỡng, tầng mỏng, trong khi cao su là cây kén đất, tầng dày, giàu dinh dưỡng, nên nếu đất xấu sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cao su. Những năm đầu mới trồng, cao su phát triển bình thường, nhưng sau 5-6 năm, cây kém phát triển, sản lượng mủ thấp. Hậu quả là việc chuyển đổi không đạt được mục tiêu kinh tế mà rừng thì bị mất. Ngoài ra, phần chính lượng dự trữ dinh dưỡng của hệ sinh thái rừng khộp nằm trong sinh vật (động vật và thực vật), chỉ một phần nhỏ nằm trong thành phần của đất. Lá cây, hoa, quả và các bộ phận khác của cây, hằng ngày cung cấp cho mặt đất một lượng chất hữu cơ đáng kể. Nếu không còn rừng, đất sẽ nhanh chóng bị thoái hóa. Việc chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su dẫn đến làm mất đi một số hệ sinh thái đặc thù, suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời còn làm giảm sinh kế của người dân địa phương, bởi vì rừng khộp cũng có thể được sử dụng để chăn nuôi gia súc lớn.

Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là nước tưới cây cho cây công nghiệp vượt quá khả năng đáp ứng nguồn nước của Tây Nguyên vào mùa khô. Có một nghịch lý dễ nhận thấy, cà phê là cây trồng có nhu cầu tiêu thụ nước cao, trong khi tại tỉnh Đắc Lắc quy hoạch đến năm 2020 đối với cây cà phê là 180.000ha, nhưng đến nay đã là 204.808ha.

Hơn bất kỳ nơi nào trên đất nước ta, nhịp điệu mùa được ghi lại một cách rõ rệt như ở Tây Nguyên với ba tháng mưa liên tục, lượng mưa chiếm 45-60% lượng mưa năm. Trung bình hằng năm, các lưu vực Tây Nguyên đón nhận một lượng mưa gần 2.000mm. Đó là nguồn cung cấp khá lớn. Kinh nghiệm khai thác nguồn nước tự nhiên ở nhiều nơi cho thấy, với nguồn cung cấp như vậy có thể không lo thiếu nước nếu nguồn nước đó chỉ dùng cho nhu cầu cục bộ trong vùng. Vượt ra ngoài khuôn khổ đó, nước Tây Nguyên còn là nguồn cung cấp quan trọng cho các vùng chung quanh có yêu cầu phát triển kinh tế (nước sông Ba dùng cho đồng bằng Phú Yên, Khánh Hòa, nước sông Đồng Nai chuyển sang sông Cái Phan Rang và đồng bằng vùng hạ du…). Trung bình hằng năm, sông suối Tây Nguyên chuyển ra khỏi lãnh thổ này hơn 40 tỷ mét khối nước. Năm ít nước, lượng nước chuyển đi cũng khoảng 30 tỷ mét khối. Trung bình hằng năm, 1km2 đất đai Tây Nguyên cung cấp một lưu lượng nước là 26lm3/s.

Cần lưu ý rằng, hiện nay việc sử dụng chưa thật hợp lý đang làm tăng nguy cơ thiếu nước ở Tây Nguyên. Như đã trình bày, ngoài các dòng chảy tự nhiên phát sinh từ vùng đất Tây Nguyên rồi đổ về các khu vực phụ cận xung quanh, còn có những công trình nhân tạo chuyển nước từ Tây Nguyên sang các lưu vực khác. Hiện có ít nhất 4 công trình thủy điện lớn: Đăk Đrinh, An Khê-Kanak, Đa Nhim và Đại Ninh chuyển nước từ Tây Nguyên sang các lưu vực sông khác ở miền Trung Việt Nam với khối lượng lớn, khoảng 130m3/s, làm cho Tây Nguyên mất khoảng 2,9 tỷ mét khối/năm, gây thiếu hụt nguồn nước và nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu các hồ chứa vào mùa khô.

Để Tây Nguyên phát triển bền vững, xin được nhắc lại: Bất kỳ dự án phát triển nào ở Tây Nguyên, dù lớn, dù nhỏ đều phải đạt được hiệu quả về ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.

TS LÊ TRẦN CHẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-tay-nguyen-phat-trien-ben-vung-581209