Để tăng lượng cá ngừ XK sang châu Âu: Cần nỗ lực nhiều hơn

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến triển vọng cho việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên).

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên).

Giá trị xuất khẩu ngày càng tăng

Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi từ đầu tháng 8/2020 với 220 mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi về thuế suất từ 0-22%. Riêng cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin từ thuế suất 18% sẽ được giảm về 0% trong 3 năm. Phía EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp/năm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng mở rộng thị trường sang châu Âu và tận dụng lợi thế cạnh tranh với các nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có cá ngừ, vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, với EVFTA, dự báo tổng giá trị xuất khẩu sang EU trong 3 tháng cuối năm 2020 sẽ tăng nhẹ hoặc tương đương quý III/2020 với khoảng 33 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào EU đạt khoảng 123 triệu USD.

Thực tế cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ Hiệp định EVFTA với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, sản lượng sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu vẫn tăng trưởng đều, nhất là hai tháng gần đây. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực và thực thi, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên mức 11,4 triệu USD (tăng 8,6%), tháng 9 đạt 11,9 triệu USD (tăng 13,3% so với các tháng trước đó).

“Có thể thấy EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU những tháng cuối năm. Đồng thời tạo đà vững chắc cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhận định tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây.

Đồng tình với quan điểm nói trên, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực đã mở ra cơ hội và là lực đẩy rất lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu mặt hàng cá ngừ. Bởi hiện Thái Lan và Trung Quốc đang là hai quốc gia nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn nhưng cả hai đều chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU và cũng không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với các nước tại hai khu vực thị trường lớn là EU và thị trường các nước thành viên CPTPP.

Theo ông Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương - doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương, có trụ sở tại khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), tận dụng cơ hội mở ra từ Hiệp định EVFTA, công ty đã tiên phong đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, xuất khẩu cá ngừ đạt chuẩn sang thị trường EU. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 181 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt 46,8 triệu USD, bình quân 5,2 triệu USD/tháng. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng 8 và 9 của công ty sang EU đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.

Yêu cầu khắt khe

Hiện nay, tuy có nhiều triển vọng trong xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng sang thị trường EU, nhưng để được hưởng các ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng ngư dân cần lưu ý việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này cũng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường,… nhất là phải khắc phục được cảnh báo “thẻ vàng” về IUU.

Chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương ở KCN Hòa Hiệp, TX. Đông Hòa (Phú Yên) sang thị trường EU.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá ngừ, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), cho biết, EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 60-70% kim ngạch xuất khẩu hải sản, trong đó chủ yếu là cá ngừ của Bidifisco, nhưng từ khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu vào EU gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” là một những điều kiện tiên quyết để rộng đường xuất khẩu cá ngừ vào thị trường EU.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, sau cá tra và tôm thì cá ngừ được xem là thế mạnh của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường châu Âu. “EVFTA là lợi thế cực lớn và cũng là thách thức cho ngành thủy sản nước ta. Lợi thế thì ai cũng thấy, nhưng thách thức chính là chúng ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của thị trường EU. Nếu làm tốt, chắc chắn xuất khẩu thủy sản Việt Nam không thua kém quốc gia nào”, bà Sắc phân tích.

Đồng quan điểm này, ông Saornil Minguez Ruben, Phó văn phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam, cho biết, phía EU yêu cầu khắt khe đối với việc khai thác thủy sản phải có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, thủy sản xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp.

Theo ông Saornil Minguez Ruben, Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Còn thị trường EU là thị trường tiêu thụ hải sản rất mạnh, trung bình 22 kg/người/năm, do vậy, EU rất coi trọng mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Nếu Việt Nam thực hiện đầy đủ những quy định về IUU, truy xuất hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm miễn giảm thuế thì chắc chắn sức mạnh về xuất khẩu sẽ càng được củng cố.

Cần nỗ lực lớn

EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. Để xuất khẩu cá ngừ và các sản phẩm thủy sản khác sang EU được thuận lợi và bền vững, tận dụng tối đa lợi thế Hiệp định EVFTA mang lại, đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vàng và sọc dưa để giải quyết 3 mắt xích quan trọng: Ngư dân, nhà máy chế biến và khách hàng. Đối với ngư dân, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, đào tạo việc ghi nhật ký khai thác nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn, minh bạch, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện đã có 37 nhà máy và 11 đầu mối cung ứng nguyên liệu thủy sản tham gia chuỗi liên kết, qua đó xây dựng mã truy xuất nguồn gốc thủy sản được quốc tế công nhận.

Một doanh nghiệp ở TX. Sông Cầu (Phú Yên) sơ chế cá ngừ sọc dưa.

“Hiệp hội tiến hành truy xuất nguồn gốc điện tử thông qua các thiết bị trên tàu. Khi cá đánh bắt được đưa vào bờ và qua cảng, doanh nghiệp thu mua sẽ nắm được nguồn gốc. Điều này cũng cần có lộ trình, bởi hiện nay phần lớn việc truy xuất nguồn gốc đều thực hiện bằng giấy khiến độ tin cậy chưa cao, không tạo được độ tin cậy cao đối với người mua hàng”, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản bền vững; thực hiện tốt các cam kết về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Các hiệp hội, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ để cập nhật ưu đãi về thuế quan của Hiệp định EVFTA; các quy chuẩn của thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường… Qua đó, tận dụng các ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, nhất là các sản phẩm cá ngừ vào thị trường EU.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường để nâng cao chất lượng thủy sản cũng như cá ngừ xuất khẩu.

“Doanh nghiệp cần tập trung vào nghiên cứu công nghệ bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngư dân phải tập trung khai thác có nhật ký, có kinh độ, vĩ độ, có xuất xứ nguồn gốc để đảm bảo thuận lợi cho việc truy xuất. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên các tàu cá cũng như các nhà máy cần thực hiện đúng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của châu Âu, từ đó nâng cao được chất lượng, tỷ suất, quy mô hàng hóa và tăng được hàm lượng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm thủy sản xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ..

Ngư dân Nguyễn Văn Chính ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên): Thời gian qua, ngành Nông nghiệp, Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương thường xuyên phổ biến về vùng biển được phép khai thác, không được phép khai thác nên khi ra khơi, ngư dân thường xuyên liên lạc với ngành chức năng để biết và không vi phạm vùng khai thác. Chúng tôi thường đi theo tổ đội 5-7 tàu, khi phát hiện luồng cá thì thông tin cho nhau cùng khai thác, khi gặp nạn thì giúp đỡ nhau và thường xuyên nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài…

Để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với EU hỗ trợ tháo gỡ “thẻ vàng” về khai thác IUU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác, bán hải sản cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Quốc Hùng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-tang-luong-ca-ngu-xk-sang-chau-au-can-no-luc-nhieu-hon-post38700.html