Để tận dụng CPTPP: Doanh nghiệp buộc phải thay đổi

Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn hạn chế, rất nhiều doanh nghiệp lo ngại không thể tận dụng được cơ hội mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP là cú hích để các doanh nghiệp thay đổi. Việc này, tất nhiên, khó nhưng đáng để nỗ lực.

 Hội thảo “Triển khai hiệp định CPTPP: Cơ hội, thách thức và giải pháp phát huy lợi thế” do Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức.

Hội thảo “Triển khai hiệp định CPTPP: Cơ hội, thách thức và giải pháp phát huy lợi thế” do Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức.

Cơ hội mở ra từ CPTPP

Chia sẻ tại hội thảo “Triển khai hiệp định CPTPP: Cơ hội, thách thức và giải pháp phát huy lợi thế” do Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức hôm 17-5 tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) có phạm trù bao trùm nhất, cam kết mở cửa thị trường lớn nhất so với các FTA mà Việt Nam tham gia. Điểm đặc biệt của nó là ngoài thương mại hàng hóa còn đề cập đến các vấn đề bên trong biên giới của các quốc gia thành viên.

Do vậy, tác động với doanh nghiệp không chỉ là cơ hội thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa khi thuế cắt giảm mà còn là những hưởng lợi nhờ cải cách thể chế. Những cam kết trong CPTPP tạo ra những sức ép cải cách thể chế với Chính phủ và đây là những lợi ích không đo đếm được với doanh nghiệp.

Những cam kết trong CPTPP tạo ra những lợi ích không đo đếm được với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ tận dụng của các doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều FTA trong những năm qua là không cao, chỉ hơn 30%. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Chẳng hạn như chuỗi sản xuất không đáp ứng những yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không đủ tốt, doanh nghiệp thiếu hiểu biết, thông tin để có thể thực hiện các yêu cầu thủ tục,… Vì vậy, để thay đổi được thực tế này khi thực hiện CPTPP, doanh nghiệp càng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường sức mạnh nội lực.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng CPTPP và sắp tới là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) mở thêm cánh cửa để doanh nghiệp bước ra bên ngoài. Cơ hội không chỉ là xuất khẩu cho doanh nghiệp mà còn là xuất khẩu cho chính phủ khi cam kết về mua sắm Chính phủ đã được mở rộng rất nhiều so với trước đây. Những đòi hỏi, yêu cầu trong CPTPP sẽ tạo ra những chuẩn mới cho Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang và dự báo còn kéo dài, những cơ hội lẫn thách thức với doanh nghiệp Việt Nam từ CPTPP càng nhiều hơn, đa chiều hơn. Doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác là phải thay đổi, bứt phá bằng mọi cách. Đây là việc sống còn, hành động hoặc chết.
Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc khối ngân hàng giao dịch của Techcombank nhìn nhận, cơ hội và thách thức từ CPTPP là rõ ràng. Yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được những cơ hội cũng như đối đầu với các thách thức. Và việc cần làm là làm sao quản lý hiệu quả việc sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành nhưng tăng chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.

Chủ động của doanh nghiệp, hỗ trợ từ các bên

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, CPTPP là một cú hích để các doanh nghiệp thay đổi. Trong bối cảnh thị trường mở cửa, tự do hóa thì doanh nghiệp phải chấp nhận đi ra đầu sóng ngọn gió, chấp nhận bị bệnh để mạnh lên. Và vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân hoạt động, thay vì ưu đãi nhiều hơn, tự do hóa nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như thời gian qua.

CPTPP là một cú hích để các doanh nghiệp thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ, cải cách thể chế của Việt Nam đều có lộ trình. Đây chính là khoảng lặng để doanh nghiệp có thời gian lớn lên và cần tận dụng nó theo đúng bản chất đó, thay vì để hưởng lợi thêm.

Cũng theo bà Trang, từ thực tế tận dụng các FTA vừa qua, có một điểm dễ thấy là hiểu biết của doanh nghiệp về các yêu cầu, ưu đãi còn hạn chế. Vì vậy, để có thể hưởng lợi từ CPTPP thì doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin.

Bà Nguyễn Hương Giang cho biết, lâu nay, khi nghĩ về tiết kiệm, giảm giá thành sản phẩm, một trong những yếu tố doanh nghiệp thường nghĩ ngay là làm sao giảm được chi phí vốn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn lại là quản trị được dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản, hạn chế những thất thoát, phòng tránh được các rủi ro. Những việc này, ngân hàng sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp bằng những công cụ cảnh báo, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro… Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp thông qua việc kết nối các đối tác trong một chuỗi sinh thái; chia sẻ, tư vấn thông tin về ngành hàng, về thị trường.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển sắp tới, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ từ năm 2016 đến 2020, ngân hàng này đầu tư 300 triệu đô la Mỹ nhằm nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Mục tiêu cuối cùng là mang đến những lợi ích cho doanh nghiệp, cung cấp những giải pháp về quản trị dòng tiền, về thanh toán... Bên cạnh đó, những ứng dụng về giao dịch điện tử của ngân hàng đang giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, rút ngắn quá trình trao đổi thông tin giữa hai bên…

Vốn cho nền kinh tế dồi dào, lãi suất có hy vọng đi xuống

Ông Vũ Minh Trường, Giám đốc khối nguồn vốn của Techcombank nhận định, trong năm nay và năm tới, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, theo xu hướng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường kinh doanh lành mạnh.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288999/de-tan-dung-cptpp-doanh-nghiep-buoc-phai-thay-doi-.html