Để 'tam nông' bứt phá

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ('tam nông') luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn.

Đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26) đã thể hiện sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí, xác định rõ mục tiêu và giải pháp để đưa "tam nông" bứt phá.

 Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 tích cực tham gia giúp địa phương trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 tích cực tham gia giúp địa phương trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới.

Thành quả lớn từ bài học phát huy sức dân

Cách đây 10 năm, vào buôn Chóa, xã Dlyê Yang, huyện Ea H'leo (Đắc Lắc) phải đi toàn đường đất đỏ bụi mù, nay thì gần như toàn bộ là đường trải nhựa hoặc đổ bê tông. Buôn có nhà văn hóa cộng đồng khang trang, người dân phấn khởi xây dựng nông thôn mới (NTM). Được biết, khi có chủ trương xây dựng NTM, già làng Ma Nhất đã tích cực tuyên truyền, động viên bà con nỗ lực phấn đấu. Già làng gương mẫu đi đầu góp tiền làm đường mới, mọi nhà trong buôn tích cực làm theo. Trong 5 năm đầu thực hiện xây dựng NTM, gần 200 hộ ở buôn Chóa đã đóng góp được hơn 320 triệu đồng để làm đường. Với toàn tỉnh Đắc Lắc, trong gần 10 năm qua, các hộ dân đã hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất và hàng triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu...

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ được xem là chương trình kinh tế-xã hội tổng hợp nhất, thể hiện sự hành động quyết liệt để thực hiện Nghị quyết 26. Chương trình đã lượng hóa thế nào là NTM bằng 19 nhóm tiêu chí xuyên suốt; đó vừa là thước đo, vừa là tiêu chuẩn phấn đấu, vừa là tiêu chí giám sát.

Nghị quyết 26 và chương trình xây dựng NTM rất trúng, hợp lòng dân. Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình đã thực sự trở thành cao trào sâu rộng, là chương trình của toàn dân, vì nhân dân và được cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã huy động được nguồn lực rất lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội, trong đó ngân sách Trung ương chỉ chiếm khoảng 12%. Ví dụ như tại tỉnh Nam Định, từ năm 2011 đến tháng 9-2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM đạt gần 22.000 tỷ đồng; trong đó, phần lớn là các nguồn lực huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Chương trình NTM đã góp phần quan trọng, giúp chuyển biến về mặt nhận thức, coi "tam nông" không phải chỗ yếu cần giúp đỡ mà coi đây vừa là thế mạnh, vừa là mục tiêu lâu dài. Tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương đều có chương trình, mục tiêu rất sát, quyết liệt trong chỉ đạo và sáng tạo trong cách làm; tạo nên một không khí thi đua sôi nổi, cao trào rộng khắp cả nước.

Cùng với huy động mọi nguồn lực trong xây dựng NTM, Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp lớn nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành nông nghiệp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, đến nay, sản lượng lương thực của cả nước đạt khoảng 45 triệu tấn thóc/năm, không những đủ cung cấp cho gần 100 triệu dân mà đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn...

Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn Việt Nam cũng như đời sống của nông dân đã được thay đổi căn bản, toàn diện. Các thiết chế hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất, như: Điện, đường, trường, trạm... từng bước được hoàn thiện, nâng cao. Đến nay, 100% xã, 99% thôn, bản, hộ gia đình có điện lưới quốc gia. Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp hơn 2,5 lần so với thời điểm nghị quyết được ban hành, nhưng đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đã đạt 35,4 triệu đồng/người, tăng 3,4 lần so với năm 2008.

Để "tam nông" thực sự "vững như kiềng ba chân"

Ở nước ta, "tam nông" luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị. Bởi vậy, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm với vai trò là chủ thể của quá trình phát triển; đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và nông thôn phải là miền quê đáng sống, thực sự xanh, sạch, đẹp và bản sắc.

Trong những năm tới, nhiệm vụ chủ yếu trong vấn đề "tam nông" là tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ, như: Đẩy mạnh liên kết hộ sản xuất, hình thành các hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh CNH nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa; tạo điều kiện tối đa về vốn và tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra đột phá, chuyển biến trên thực tế trong quá trình tái cơ cấu... Trước những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, cần huy động tối đa các nguồn lực về ngân sách, trí tuệ, khoa học và công nghệ để biến những thách thức thành cơ hội cho ngành nông nghiệp bứt phá.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vẫn là chương trình lớn cần tiếp tục được duy trì, đặc biệt phải nâng cao chất lượng và quy mô. Do vậy, các địa phương, vùng miền phải đánh giá thực chất những mặt còn tồn tại, hạn chế; đặc biệt phải có tầm nhìn dài hạn về diện mạo của nông thôn Việt Nam trong 10-20 năm tới; phải mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân nông thôn phải từng bước được nâng lên, ngang bằng với người dân ở khu vực thị thành. Để đạt được mục tiêu này, cần những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Tiến sĩ Trần Huy Ngọc, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), khẳng định: Những thành tựu của chương trình xây dựng NTM là biểu hiện sinh động, khẳng định thành công của Đảng ta khi biết huy động và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay, người nông dân với vị trí là trung tâm của "tam nông" phải chủ động nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng này. Do vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đưa những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào nông nghiệp, đưa về nông thôn và đưa tới người nông dân. Đó cũng là giải pháp hữu hiện để sớm hiện thực hóa mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0), nông thôn 4.0 và những người nông dân 4.0.

NGUYỄN TUẤN VƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-tam-nong-but-pha-612142