Đề tài nông thôn thiếu vắng trong đời sống văn học, điện ảnh

Từng là một trong những mảng đề tài mang lại nhiều thành tựu cho cả văn học lẫn phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, nhưng thời gian gần đây, đời sống nông thôn gần như vắng bóng trong các tác phẩm được chú ý.

Đây là khoảng trống đáng tiếc trong đời sống văn học nghệ thuật, nhất là ở một nước nông nghiệp như Việt Nam. Vì sao lại có nghịch lý này?

Gần đây, người yêu thích điện ảnh Việt, đặc biệt là phim truyền hình Việt chứng kiến khá nhiều những cuộc “lội ngược dòng” ấn tượng bởi hàng loạt bộ phim ăn khách: Về nhà đi con, Nàng dâu oder…

Sớm hơn và gần như kế trước các phim này là những “cơn sốt” phim truyền hình mà hiệu ứng từ màn ảnh nhỏ đã lan tỏa liên tục, sâu rộng, thậm chí gây nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng của hàng loạt phim: Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Người phán xử…

Cảnh phim “Thương nhớ ở ai” – một trong số các tác phẩm điện ảnh khai thác sâu về đời sống nông thôn Việt Nam.

Cảnh phim “Thương nhớ ở ai” – một trong số các tác phẩm điện ảnh khai thác sâu về đời sống nông thôn Việt Nam.

Với “lãnh địa” phim truyện điện ảnh, công chiếu ngoài rạp cũng tương tự. Người yêu thích và quan tâm đến điện ảnh từng chứng kiến hàng loạt phim Việt mang về doanh thu cả trăm tỷ đồng. Nhưng hiếm có dự án phim nào được đầu tư với quy mô tương tự, có sức hút lớn với công chúng khai thác về đề tài nông thôn.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, sau thành công của phim truyện điện ảnh “Bến không chồng” và sau đó phiên bản phim truyền hình với tựa đề “Thương nhớ ở ai” năm 2017, đến nay vẫn đang nói lời tạm biệt, chưa hẹn ngày quay trở lại với mảng đề tài này.

Nhưng, có lẽ, không chỉ với riêng ông mà còn là cả với ê kip làm phim “Thương nhớ ở ai” năm nào thì đây vẫn là dự án phim “nhớ đời”. Như chia sẻ của chính đạo diễn và ê kíp là ít có dự án phim nào mà hậu kỳ, đặc biệt là các cảnh quay về nông thôn lại phải vất vả xử lý nhiều như thế. Phim về nông thôn thời hậu chiến nhưng đến nay, hiếm có vùng nông thôn nào không chằng chịt các đường dây điện, không bê tông hóa các con đường làng.

Vì thế, kiếm được bối cảnh cho phim đã vất vả, xử lý hậu kỳ để mang lại cảm giác cho người xem trở lại bối cảnh nông thôn nhiều chục năm trước càng khó khăn hơn. Cũng may là trong ê kip có người giỏi về vấn đề này và chịu đầu tư tâm sức cho dự án theo kiểu chấp nhận không đặt câu chuyện tài chính lên hàng đầu nên sau nhiều tháng ròng, dự án phim cũng hoàn thiện để “trình làng”.

NSND Nguyễn Hữu Phần từng gắn bó tên tuổi với một loạt phim nổi tiếng về nông thôn Việt Nam như “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Đất và người”, “Bão qua làng”… Thế nhưng, chính ông, một đạo diễn thuộc hàng “lão làng” của điện ảnh Việt này tới giờ cũng chưa tái xuất với dự án phim lớn nào thuộc mảng đề tài nông thôn Việt.

Chia sẻ quanh câu chuyện này, ông cho biết, không phải nông thôn Việt Nam không có nhiều vấn đề để khai thác. Chỉ có điều muốn làm phim hay thì phải có kịch bản tốt. Ông không có kịch bản hay về đề tài này. Tìm được kịch bản hay về đề tài nông thôn trong giai đoạn này không dễ.

Thực tế, không chỉ có phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, người nông dân, đời sống nông thôn mới là đề tài bị bỏ ngỏ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, văn học Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà văn có tác phẩm thành công về nông thôn như “Chí Phèo”, “Lão Hạc” của Nam Cao, “Làng” của Kim Lân, “Thư nhà” của Hồ Phương, “Cái hom giỏ”, “Vợ chồng ông lão chăn vịt” của Vũ Thị Thường…

Sau này, chúng ta có “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Cù lao Chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu, “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư…

Nhưng, hiện nay, không nhiều nhà văn thực sự đầu tư viết về mảng đề tài này. Ngoài lý do về sức hấp dẫn, thu hút bạn đọc thì chưa nhiều nhà văn dấn thân để có những tác phẩm thành công như các giai đoạn trước. Đây thực sự là khoảng trống vô cùng đáng tiếc.

Vì hiện nay, khoảng 80% dân số vẫn là ở các vùng nông thôn. Ngay cả với cư dân đô thị, dù rất nhiều người đã định cư lâu năm ở thành phố thì họ vẫn mang theo trong mình “những mảnh hồn làng”.

Khẳng định nông thôn Việt Nam đang có những thay đổi ghê gớm và hiện thực làng quê vẫn là một trong những “mỏ vàng” cho văn học nhưng nhà văn Đỗ Tiến Thụy cũng thừa nhận, hiện đã không có nhiều nhà văn thực sự dành nhiều tâm huyết, thậm chí ít viết về nông thôn.

Dù rằng, với rất nhiều nhà văn, trong đó có ông, vốn gốc gác nông dân nên rất dễ rung động khi viết về nông thôn. Nhưng, người cầm bút như ông không phải không có những lúc nản lòng khi có những giai đoạn, nhà văn vừa mở lời, các đơn vị đặt hàng đã thẳng thừng tuyên bố: Viết gì thì viết, đừng có “bèo tấm hoa dâu” là được…

Sau những khoảng lặng như thế, đến nay, vẫn có rất ít những bệ đỡ, sự kiện đủ để kéo nhà văn trở lại dấn thân với mảng đề tài này.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng ban tổ chức cuộc thi viết “Làng Việt thời hội nhập” cũng nhận định: Nông thôn là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động.

Nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi lớn, không chỉ là hình ảnh lão nông thời lam lũ chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau mà đó còn là hình ảnh những ông chủ bấm di động điều khiển hệ thống tưới tiêu, những trang trại chăn nuôi rộng hàng trăm héc-ta, những khu du lịch nông nghiệp – sinh thái tiền tỷ...

Đời sống nông thôn cũng đang có nhiều vấn đề, nhất là trong đô thị hóa nông thôn, bi kịch của quá trình người nông dân từ bỏ ruộng đồng, ly hương kiếm sống trên phố thị. Những vấn đề này dường như đang bị bỏ quên trong đời sống văn học.

Những cuộc thi dành cho mảng đề tài này cũng không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Cần có thêm nhiều sự kiện tạo động lực, những “cú hích” sáng tạo cho người viết. Những cuộc thi như “Làng Việt thời hội nhập” chỉ là những khởi đầu với mong muốn, “thà muộn còn hơn không”.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/de-tai-nong-thon-thieu-vang-trong-doi-song-van-hoc-dien-anh-548656/