Đề tài người lính vẫy gọi những cây bút trẻ

Người đọc chờ đợi những câu chuyện mới từ các nhà văn về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó có hình tượng người lính. Khi chiến tranh đã lùi xa, mảng đề tài này được nhìn nhận, khai thác ngày càng đa dạng hơn, nhưng có lẽ vẫn chưa thể hiện một cách đầy đủ mọi chiều kích của cuộc chiến, cùng với đó là những khoảng trống văn chương về người lính thời bình với nhiệm vụ mới, thử thách mới và cả những phẩm chất mới.

Bộ đôi sách tản văn nhiếp ảnh Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi của Lữ Mai - Trần Thành viết và chụp về các chiến sĩ ở Trường Sa, sau khi được xuất bản lại quay về đảo làm bạn với các chiến sĩ. Ảnh: Trần Thành

Trong ý định đi tìm cảm xúc mới khi nhìn về hình tượng người lính trong văn chương đương đại, chúng tôi tìm hiểu những tác phẩm ra mắt trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, phần lớn là của các tác giả trẻ. Họ, có người đã gặt hái thành quả, có người vẫn đang nỗ lực tạo dựng tên tuổi.

Với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, họ cho thấy cảm nhận riêng mang hơi thở của thế hệ trẻ hôm nay. Có thể điểm ra những cái tên như: Đoàn Văn Mật với Sóng trầm biển dựng, Mắt người giữ đảo; Lữ Thị Mai - Trần Thành với Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi; Nguyễn Quang Hưng với Cột mốc trong người; Phạm Vân Anh với Sa mộc; Đinh Phương với Những cánh sóng mùa xuân, Những con chữ gieo nơi bìa trời, Người lính đại đoàn quân tiên phong hôm nay; Trần Thị Tú Ngọc với Ngụ ngôn tháng tư, Tiếng rền của đá; Bảo Thương với Bông điên điển hồng, Người trở về; Trần Ngọc Diệp với Khói mật hương; Ai Ta Yết Lam với Đêm giao thừa có trăng; Nguyệt Chu với Miền gió...

Nhìn bao quát, có thể thấy người viết trẻ có bước dịch chuyển khá quan trọng. Dĩ nhiên, vẫn thấy những câu chuyện về người lính trong chiến tranh, nhưng cũng thật vui mừng vì ở đó có hơi thở của cuộc sống, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên cương, hải đảo, lao động sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, sự gắn bó nghĩa tình với nhân dân, làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, tham gia chống dịch... của người lính thời bình.

Trong hai chục năm qua, nhiều cây bút thế hệ 5x, 6x, 7x đã thành danh với mảng đề tài về người lính. Với thế hệ 8x, 9x đây là mảng đề tài khó bởi thực tế trải nghiệm, vốn sống của họ chưa nhiều. Trên phương diện chủ đề, có thể thấy, các tác giả trẻ vẫn tiếp tục khơi sâu vào hiện thực chiến tranh, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của người lính. Cùng với đó, những góc khuất của cuộc chiến, những khoảng mờ của lịch sử, khía cạnh đời tư, nỗi ám ảnh tâm linh liên quan đến chiến tranh và người lính cũng được chú ý.

Không trải qua chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ nhưng qua tư liệu lịch sử, qua hồi ức của người đi trước, các nhà văn trẻ có điều kiện tiếp cận và mở rộng trường liên tưởng. Bởi thế, hình tượng người lính thời chiến trong mắt nhà văn trẻ có nét riêng, ít nhiều không bị khuôn cứng vào các mẫu hình của văn chương thời chiến.

Tiêu biểu như trong sáng tác của Bảo Thương, Trần Ngọc Diệp hay Lê Quang Trạng, người lính vừa có nét anh dũng, cứng cỏi, kiên cường (đậm màu sắc sử thi) lại vừa mang những rung cảm đời thường của con người thế sự, ẩn sâu trong lòng người chiến sĩ là trái tim nhân hậu, bao dung và niềm trắc ẩn trước đời sống. Các nhà văn trẻ, rất tự nhiên, đã nối kết mạch suy tư, cảm xúc của thế hệ mình vào hình tượng người lính (dẫu đặt họ trong hoàn cảnh chiến tranh đã thuộc về quá khứ).

Đáng lưu ý hơn cả ở sáng tác của các cây bút trẻ là họ đã có bước chuyển quan trọng khi tập trung xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta hình dung ra những người chiến sĩ hải quân căng mình trong sóng gió, găm mắt vào đêm, kiên cường bám trụ để giữ yên biển đảo trong ký và trường ca của Đoàn Văn Mật. Chúng ta hiểu hơn về đời sống của người lính đảo và gia đình họ, những chuyến tàu lênh đênh trên sóng, ân tình gửi về đất liền, tinh thần kiên trung bám biển trong tản văn của Lữ Mai.

Chúng ta cũng nhận ra mỗi người chiến sĩ là một cột mốc, một lá chắn, một chỉ dấu của chủ quyền nơi biên cương heo hút trong trường ca của Phạm Vân Anh, thơ Nguyễn Quang Hưng. Chúng ta rung động trước những mất mát của người lính thời bình khi đi rà phá bom mìn, quy tập hài cốt đồng đội trong truyện ngắn của Trần Tú Ngọc. Chúng ta xúc động và yêu thương biết bao những linh hồn lính chiến còn lang thang chưa tìm được lối về nhà trong truyện ngắn của Ai Ta Yết Lam, Trần Ngọc Diệp... Và, trong truyện ngắn Miền gió của Nguyệt Chu, một lần nữa chúng ta lại thấy hiện lên hình ảnh quả cảm và những thử thách kiệt cùng, cả sự hy sinh giữa thời bình của những phi công gặp nạn trong thực hành diễn tập.

Tôi đặc biệt thích thú trước những bút ký đậm tươi chất sống của Đinh Phương. Là một nhà văn quân đội, Đinh Phương đã chịu khó lặn lội ra đảo xa, đến biên giới để thấm thía hơn nữa cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Những bút ký của anh giúp người đọc hình dung về cuộc sống mới, nhiệm vụ mới, phẩm chất mới của Bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

Có biết bao câu chuyện trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong tuần tra, canh giữ biển trời, biên giới, trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, trong nhiệm vụ lao động sản xuất, trong nghĩa tình quân dân gắn bó... đã đi từ đời sống vào trang viết. Và, người lính hôm nay, ở cái tuổi mười tám đôi mươi tràn căng nhựa sống, họ nghĩ gì, mơ ước điều gì, làm gì để tiếp nối truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông, và viết tiếp trang sử của thế hệ mình? Những vấn đề đó vẫn chờ đợi, vẫy gọi những cây bút trẻ.

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/965550/de-tai-nguoi-linh-vay-goi-nhung-cay-but-tre