Đề tài đồng tính trên màn bạc: Hết làm lố, bớt bi kịch

Những bộ phim điện ảnh mới ra mắt gần đây đang dần khẳng định: đã qua rồi cái thời nhà làm phim dùng người đồng tính như một hình ảnh dị hợm gây cười hay bi kịch hóa số phận của họ. Giờ đây, đề tài này đi sâu vào những điều tinh tế, nhân văn.

Vừa ra mắt trung tuần tháng 8, bộ phim độc lập "Thưa mẹ con đi" đã gây sốt phòng vé và lấy được nhiều cảm xúc của khán giả. Bộ phim theo thể loại chính kịch, lãng mạn, kể câu chuyện tình yêu đồng giới của hai chàng trai. Yêu nhau ở trời Tây nhưng khi đặt chân về Việt Nam, trở lại gia đình dòng tộc, chuyện tình của họ không dễ được chấp nhận. Cuộc đấu tranh nội tâm được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh kể nhẹ nhàng mà đầy xúc động, trìu mến và day dứt bởi nỗi lòng người mẹ với hạnh phúc của con, bởi sự bao dung che chở tình thân.

Tiếp cú hích này, "Ngôi nhà bươm bướm" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sẽ trình làng vào ngày 30-8 tới. Nếu "Thưa mẹ con đi" là sự lắng đọng, tinh tế thì "Ngôi nhà bươm bướm" lại vui nhộn, rực rỡ. Cuộc sống của cặp đôi đồng tính nam do Thành Lộc và Quang Minh thủ vai bị đảo lộn và gây ra đủ tình huống dở khóc dở cười khi đứa con trai của họ chuẩn bị lấy một cô vợ thuộc gia đình gia giáo, khắt khe.

Hai nghệ sĩ Thành Lộc và Quang Minh hóa thân thành cặp đôi đồng tính trong phim "Ngôi nhà bươm bướm".

Hai nghệ sĩ Thành Lộc và Quang Minh hóa thân thành cặp đôi đồng tính trong phim "Ngôi nhà bươm bướm".

Tiếng cười bật ra từ những tình huống rất đời, rất thật của cộng đồng LGBT (tức cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyến giới) để chuyển tải một thông điệp: ai cũng có quyền được hạnh phúc. Trước đó, năm 2017, bộ phim "Lô tô" khai thác về người chuyển giới của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng để lại nhiều phản hồi tích cực. Lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã để NSƯT Hữu Châu hóa thân thành Lệ Liễu, chủ đoàn lô tô rong ruổi nay đây mai đó.

Lệ Liễu mang trong mình câu chuyện tình buồn và cả những thân phận đồng nghiệp trong đoàn cũng là tiếng thở dài mà họ đã bỏ lại quê nghèo để bôn ba cùng nhau kiếm sống. Nó giúp công chúng hiểu hơn góc khuất, khát khao hạnh phúc chính đáng như bao người của người chuyển giới - những người sinh ra trong hình hài đàn ông mà tâm hồn là phụ nữ.

Sau hai năm, trở lại với "Ngôi nhà bươm bướm", Huỳnh Tuấn Anh vẫn mang đến những thước phim đầy nước mắt về thân phận con người nhưng bung nở những nụ cười duyên dáng. Nếu "Lô tô" nặng lòng với thân phận được chở bằng nước mắt thì "Ngôi nhà bươm bướm" là sự tinh tế và đầy thông minh giấu sau tiếng cười được đặt để vừa phải.

Năm 2018, "Song lang" được ca ngợi là một bộ phim đẫm vị nghệ thuật khi khai thác nghệ thuật cải lương một thời, trong đó lồng ghép khéo léo tình yêu đẹp giữa hai nhân vật nam chính. Trong buổi giao lưu với công chúng mới đây, đạo diễn Leon Lê khẳng định rằng anh không thích dùng cảnh ôm hôn, yêu đương nóng bỏng để câu kéo khán giả, nhất ở những bộ phim đồng tính.

Tình yêu ấy được anh đưa lên phim bằng những xao động, giao thoa cảm xúc, hiểu và yêu nhau từ chính tâm hồn. Điều đó làm nên một tác phẩm đẹp và đầy rung cảm. Đến nay, "Song lang" đã nhận được hơn 25 giải thưởng trong và ngoài nước. Riêng "Xóm trọ 3D”, tuy không gây được hiệu ứng mạnh mẽ bằng phiên bản sân khấu nhưng bộ phim cũng khiến người xem yêu mến bởi sự dễ thương, đáng yêu của dàn nhân vật chính. Họ là người đồng tính nam, đồng tính nữ. Mỗi người là một hoàn cảnh, một câu chuyện vượt lên sự kỳ thị của xã hội, vượt lên mặc cảm bản thân để đùm bọc nhau, cùng mưu sinh, giúp ích cho đời.

Người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung vốn không phải là đề tài xa lạ trên màn ảnh rộng. Từ vai "Tú Ông" đồng tính trong phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng, đến nay đã có nhiều phim khai thác đề tài này như: "Trai nhảy", "Những cô gái chân dài", "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt", "Chơi vơi", "Cưới ngay kẻo lỡ"…

Nhưng ở những tác phẩm trên, người thuộc giới tính thứ ba chỉ là nhân vật phụ với vai trò chủ yếu là chọc cười bởi sự dị biệt. Đến "Cảm hứng hoàn hảo", "Nàng men, chàng bóng", "Hotboy nổi loạn" … thì họ mới trở thành nhân vật chính. Cuối năm 2014, dòng phim về đề tài LGBT có hai dấu mốc: "Lạc giới" là bộ phim đầu tiên khai thác về đề tài song tính; "Để Mai tính 2" là bộ phim đầu tiên để nhân vật chuyển giới (chị Hội) trở thành nhân vật trung tâm.

Thế nhưng các phim được đánh giá tích cực, mang lại cái nhìn bình đẳng với giới LGBT không nhiều. Lắm phim lạm dụng giới LGBT một cách phản cảm, xây dựng họ một cách lố bịch để gây cười. Đó thường là nhân vật kiểu "bóng lộ", ẻo lả, nói năng ỏn ẻn hoặc chanh chua vô duyên, ăn mặc diêm dúa và trang điểm lòe loẹt trong hình hài đàn ông thô kệch.

Và hễ họ cứ thấy trai là phát cuồng, tìm mọi cách tiếp cận khiến ai cũng ái ngại. Nếu không lấy họ làm nhân vật chọc cười, thì nhà làm phim lại coi vấn đề giới tính của họ như miếng mồi giật gân để câu khách, đặc biệt là cảnh nóng thô thiển.

Đạo diễn Leon Lê tâm tư: "Chúng ta cần thay đổi nhận thức về tình cảm của những người thuộc giới LGBT. Mối quan hệ đó có thể chỉ là sự rung cảm và đồng điệu trong tâm hồn giữa con người với con người. Khán giả Việt dường đã bị làm hư bởi những hình ảnh, câu chuyện đồng tính lố lăng, cảnh nóng trần trụi".

Tai hại hơn, một số phim có cái nhìn lệch lạc, thiển cận về người đồng tính như "Nàng men, chàng bóng", "Cảm hứng hoàn hảo". Hai phim này cho rằng đồng tính là một bệnh và có thể chữa khỏi bằng cách cho tiếp xúc xác thịt với người khác giới.

Hết khai thác kiểu "thọc lét", các nhà làm phim lại gieo vào đầu khán giả ý niệm mới về phim đồng tính: bi kịch ủy mị, nỗi đau đớn không lối thoát. Do định kiến nặng nề của xã hội, hai chàng trai trong "Cầu vồng không sắc" không đến được với nhau và tìm đến cái kết bi thương. Người chết, người điên loạn. "Scandal 2: Hào quang trở lại" cũng kết thúc với mối tình đồng tính nữ đầy nước mắt và cực đoan. Tuy nhiên, nhiều khán giả đâm ngán ngẩm khi chứng kiến vô số phim đi theo nội dung tiêu cực này. Riêng cộng đồng giới tính thứ ba thì cảm thấy mình bị thương hại nhiều hơn là thấu hiểu.

Một cảnh trong phim "Thưa mẹ con đi".

Đề tài LGBT là đề tài hấp dẫn người làm phim. Bởi so với các đề tài khác đây là mảnh đất màu mỡ còn nhiều góc khuất để người làm phim tha hồ tìm tòi, sáng tạo. Với dòng phim thị trường, câu chuyện của giới LGBT luôn bí ẩn với khán giả, khiến họ không khỏi tò mò. Với người làm phim nghệ thuật, những điều mới lạ gắn với hiện thực đời sống là chất liệu tuyệt vời giúp họ thăng hoa, đồng thời đưa tác phẩm của mình chạm vào hơi thở đương đại, nhân văn.

Tuy nhiên việc khai thác theo hướng tô đậm sự lố bịch hoặc tiêu cực quá đà như trên khiến hình ảnh người đồng tính, chuyển giới... bị bóp méo, thiếu chân thực. Vài năm trở lại đây, tình hình đang dần thay đổi khi xuất hiện các bộ phim được đánh giá là có cái nhìn sâu sắc, chuẩn mực về người đồng tính như "Thưa mẹ con đi", "Ngôi nhà bươm bướm", "Song lang", "Xóm trọ 3D"...

Hình ảnh của họ trên màn bạc vừa giản dị, gần gũi lại vừa văn minh, tinh tế chứ không nhây, bựa. Điều đó góp phần giúp cho công chúng hiểu hơn và có cái nhìn thiện cảm, bình đẳng với cộng đồng LGBT.

Lý giải về sự chuyển mình tích cực này, anh Huỳnh Minh Thảo, Quản lý Diễn dàn "Táo xanh" - diễn đàn dành cho người đồng tính nam, phân tích: "Đề tài về giới LGBT nở rộ trong nghệ thuật là xu hướng tất yếu, phản ánh hiện thực và nhu cầu của xã hội. Ở hầu hết các lĩnh vực, người LGBT vẫn luôn hiện hữu và ngày càng có cuộc sống tích cực, cởi mở.

Cái nhìn của xã hội cũng thoáng và thông hiểu về LGBT hơn trước. Đây là cơ hội để những nhà làm phim tận dụng, mạnh tay khai thác đề tài từng bị xem là nhạy cảm này". Chính đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng thừa nhận: "Ngoài sự tiến bộ của nghệ thuật kể chuyện và tư duy làm phim, điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là sự trưởng thành về mặt nhận thức với một đề tài, cụ thể là hình ảnh, quan niệm, hướng nhìn về giới trong khai thác điện ảnh.

Từ "Lô tô" sang "Ngôi nhà bươm bướm" là cái nhìn lạc quan và tự nhiên nhất về cốt lõi nhân cách, thân phận con người, chứ không phải chuyện nhân vật giới tính gì. Đó là điều cần làm với đề tài vừa khó, vừa không còn mới như đề tài LGBT".

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-tai-dong-tinh-tren-man-bac-het-lam-lo-bot-bi-kich-559678/