Đề tài chiến tranh - mạch nguồn sáng tác của văn nghệ sĩ xứ Thanh

Đã 46 năm trôi qua kể từ sau đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông về liền một dải nhưng những câu chuyện về đề tài chiến tranh vẫn luôn được mỗi người dân Việt nhắc nhớ. Đặc biệt, với các văn nghệ sĩ, đề tài chiến tranh còn là mạch nguồn sáng tạo.

10 năm mặc áo lính (1965 - 1975) đã cho nhà văn Từ Nguyên Tĩnh nhiều vốn sống và cái nhìn chân thật nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khởi đầu với tập ký sự Hàm Rồng ngày ấy viết chung cùng Lê Xuân Giang (2 tập, 1984 - 1987), sau đó ông có tới 4 tiểu thuyết viết về chiến tranh: Mảnh vụn chiến tranh (1994), Cõi người (2004), Không thành người lớn (1995), Truyền thuyết sông Thu Bồn (2008). Gia tài ấy có được, một phần ông là người chứng kiến cuộc chiến tranh khốc liệt trong những năm tháng oai hùng của cả dân tộc, nhưng hơn hết đề tài chiến tranh là thỏi nam châm lôi cuốn lấy ông, đòi hỏi được khai phá. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Nói đến Từ Nguyên Tĩnh, người đọc ghi nhận những trang viết sắc nét về số phận biết bao người nông dân đã đi qua một thời chiến tranh, những vui buồn thế sự, những hoài niệm quá khứ, những khắc khoải trong hôm nay và trước ngày mai”. Hơn hết, ông vượt nhanh qua tâm thế của dòng văn học vết thương, tinh thần phản tư để nhập cuộc đời sống mới, thách thức mới, vận hội mới. Vì thế, những trang văn của Từ Nguyên Tĩnh đã cập nhật được các vấn đề thời đại, nhân vật thời đại mà trọng tâm là người lính thời hậu chiến.

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm có 4 năm ở Đội thanh niên tình nguyện (sau đổi thành Đội thanh niên xung phong tình nguyện mở đường biên giới Việt - Lào. Đến năm 1979, sau sự kiện biên giới phía Bắc, Đội thanh niên xung phong tình nguyện được biên chế thành Tiểu đoàn tự vệ, cũng là lần đầu tiên ông được bồng súng đứng gác ở biên giới trong đêm khuya. Như vậy, không trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng ông lớn lên trong cuộc kháng chiến, chứng kiến và sống trong bom đạn, hầm hào. Đã có lần nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm tâm sự: Tôi thiếu cái thực tế của người lính cầm súng trong chiến hào. Tuy vậy, “điểm mạnh” của một người đứng ngoài cuộc chiến như tôi là có độ lùi để nhìn nhận tổng quát, hiểu được cuộc chiến một cách khách quan vô tư bằng tất cả sự thẩm thấu về sự hy sinh mất mát của dân tộc này. Nếu đặt mình trong lòng khẩu súng thì chỉ bắn một phát là hết đạn. Với văn nghệ sĩ ngoài cảm quan lịch sử, cách mạng, cảm quan của một người chiến đấu, chiến thắng, còn phải hiểu về lịch sử dân tộc, chiến lược của Đảng và cao hơn hết là thẩm thấu được sự hy sinh của quân và dân. Từ đó có bề dày, chiều sâu, tầm cao và cái nhìn khái quát để ngòi bút của mình đi đường dài và sẵn sàng khám phá cái mới”. Ông cho rằng trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, tất cả người dân đất Việt này không có ai ở phía sau mà đâu cũng là phía trước, không có hậu phương mà đâu cũng là tiền tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ... Người quê mình, người dân mình ai cũng viết được về chiến tranh. Đó chính là lý do đến nay ông đã sáng tác 135 bài thơ và 4 trường ca viết về đề tài chiến tranh: Bầu trời màu hoa gạo (2015), Hát nơi cửa sóng (2018), Ba mươi tháng Tư (2017), Tiếng dương cầm của đại tướng (2020).

Không chỉ có văn học, đề tài chiến tranh là mạch nguồn cho nhiều loại hình nghệ thuật. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều họa sĩ tên tuổi như Trọng Cát, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Văn Tỵ đã về thực địa chiến đấu bảo vệ các khu vực xung yếu như: cầu Hàm Rồng, cầu Lèn. Cũng từ đây họ có những tác phẩm giá trị về cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương của quân và dân Thanh Hóa. Ngoài ra, chính những họa sĩ sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất xứ Thanh cũng đã rất thành công với đề tài chiến tranh như: Xuân Quảng (Cuộc đọ sức quyết liệt, Chúng nó lại đến), Trương Thế Minh (Ký ức Hàm Rồng), Phan Bảo (Chiếc cầu đỏ), Lê Đình Quỳ (tượng Thanh niên xung phong ở Hàm Rồng)...

So với các họa sĩ sinh ra, trải qua chiến tranh, các tác giả sinh ra sau chiến tranh thường gặp khó khăn trong sáng tác đề tài này, lý do chính là họ phải chắt chiu và lưu giữ cảm xúc. Tuy thế, sáng tác lại là một công việc đặc thù yêu cầu sự tưởng tượng. Dưới con mắt các họa sĩ trẻ việc tạo hình về chiến tranh có thể chỉ là cây súng nở hoa, quả bom được quây bằng những vòng dây thép gai hay chiếc mũ sắt được trang trí bắt mắt... ngợi ca hòa bình, sự nhân ái và lòng trắc ẩn.

Từ sự tri ân và ngưỡng vọng về những năm kháng chiến chống Mỹ, với những con người Hàm Rồng nhấn chìm vài trăm máy bay địch xuống dòng sông Mã mà họa sĩ Trương Thế Minh có hàng chục tác phẩm về Hàm Rồng. Hàm Rồng lúc rạng đông đã được miêu tả qua hình ảnh cây xương rồng. Mọc lên từ vùng đất bị cày xới của bom đạn quân thù, giữa những mảng màu xanh thẳm, bao quanh điểm sáng lúc rạng đông, hiện lên một chiếc cầu sắt hiên ngang bề thế không chịu khuất phục trước sức mạnh bom đạn Mỹ, cây xương rồng vẫn đâm chồi nở hoa. Đó là hoa của chiến thắng.

Hay như họa sĩ Lê Hải Anh (sinh năm 1977), anh chỉ biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ qua những câu chuyện kể, những tác phẩm văn học nghệ thuật và những bài học lịch sử. Tuy vậy, anh lại khá có duyên với đề tài này. Tác phẩm Khi người lính trở về (khắc gỗ) vẽ về một người lính già trong cảnh sinh hoạt đời thường, xung quanh là những con vật nuôi quen thuộc. Người lính giáp mặt với cái chết, trước bom đạn là thế, rồi khi bình yên trở về là một người nông dân với những câu chuyện bình dị, giản đơn. Hay Đoàn kết (mộc bản) từ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 ở hải phận Việt Nam, anh đã có cách đặt vấn đề khá ấn tượng và dễ chịu. Hình ảnh những con tàu đứng san sát được giằng buộc, kết nối, vắt vào nhau qua những dải lưới đủ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết của người dân Việt trước kẻ thù.

Chiến tranh là đề tài lớn có sức hấp dẫn với hầu hết các văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ xứ Thanh nói riêng. Nhà văn Nguyễn Văn Đệ cho rằng: “Sẽ chẳng bao giờ chúng ta có thể khai thác hết đề tài này, bởi với mỗi thế hệ, đề tài chiến tranh được tái hiện ở một góc nhìn riêng mong muốn giải đáp những thắc mắc riêng của người đương đại. Tôi thực sự vui vì các văn nghệ sĩ trẻ hiện nay đã đưa những câu chuyện về đề tài chiến tranh đến gần hơn với người đọc, người xem bằng cảm quan riêng để mỗi một người sống trong thời bình luôn ý thức được rằng, nếu không có sự hy sinh xương máu của cha ông, không có những thế hệ ra đi để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, thì sẽ không có chân trời đẹp của ngày hôm nay. Thời hòa bình”.

Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/de-tai-chien-tranh-mach-nguon-sang-tac-cua-van-nghe-si-xu-thanh/135151.htm