Để sống hơn năm tháng sau này

Trước sự biến động của đời sống, nhà thơ là người mẫn cảm và lên tiếng theo một cách riêng. Tiếng nói của nhà thơ hoặc là sẽ đi đến tận cùng của biến động ấy để mổ xẻ, để thấu suốt, hoặc mở ra một biên độ khác, mà ở đó, cái biến động của thực tại chỉ là sự tượng trưng, là cái để đối sánh, soi chiếu.

Mùa biến động của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng có cả hai yếu tố này nhưng quan trọng hơn, ở đó ta thấy được lựa chọn của anh: “Mỗi chúng ta góp một bình tâm phòng vệ trong suốt cuộc chống chọi/ Cuộc chiến kéo dài trên tháng ngày không thể dừng bước tới/ Hãy trở nên Phù Đổng cho chính mình”.

Thơ Nguyễn Quang Hưng ắp đầy chất đời sống, mang chứa nhiều suy tưởng. Vẫn biết đời sống chính là nguồn thi liệu bất tận, nhưng để đưa được đời sống đầy biến động như thời chúng ta đang sống vào thơ thì không dễ dàng. Thơ ca thường đi trước thời đại hoặc có độ lùi nhất định để nhìn nhận đời sống. Mùa biến động có được sự song hành cùng thời đại. Trước những biến động, mỗi nhà thơ sẽ tìm cho mình một câu trả lời khác nhau, Nguyễn Quang Hưng có những suy nghiệm của riêng mình khiến chúng ta suy ngẫm: “Bi kịch đến khi tôi không chịu im lặng/ Tôi đòi được đến và ca hát/ Tôi có dám ngồi yên một chỗ/ Đến khi ai cũng tin tôi đã vắng lâu rồi?”.

Trong những biến động, nhà thơ thao thức, đặt câu hỏi phản biện với đời sống, con người nói chung và với chính mình nói riêng bởi những biến động chính là lời đáp mà đời sống trao trả cho con người. Sự phản biện của nhà thơ mở ra những chiều hướng nhân bản: “Chỉ lẽ yêu thương nên ở lại/ Dù cho tôi phải trốn đi/ Để sống hơn năm tháng sau này”. Những tác phẩm được viết trong biến động bởi đại dịch Covid-19 của Nguyễn Quang Hưng vượt qua khuôn khổ của bối cảnh ấy để đưa đến những liên tưởng sâu rộng hơn về sự tồn tại của con người và những giá trị cốt lõi của sự sống.

Bắt đầu từ những biến động, Nguyễn Quang Hưng dần đưa chúng ta trở về với những nguyên sơ, hồi nhớ: “Phố cuối năm tôi đứng nhìn những tuổi trẻ/ Xa thật xa giấc mơ quay về/ Những người già đêm nghĩ mình nhỏ lại/ Tiếng cười đâu đó chạy chơi”. Đó là mảnh phố trong thực tại hay trong tâm tưởng của nhà thơ. Nguyễn Quang Hưng có một tình yêu đậm sâu với phố, phố trong thực tại chính là bệ phóng tạo nên phố trong tâm tưởng. Phố của những tháng năm đã qua hay phố của hôm nay đều gợi nên những rung cảm để người thi sĩ tỏ bày nỗi mong thầm: “Dài như phố hôm nay/ Tôi chưa đi hết những e ngại/ Tôi nghĩ mình loang ra gió vụn/ Cố tan vào không gian mong thấm đủ phố dài”.

Nguyễn Quang Hưng biết mình đang đi tìm điều gì ở phố, sau những ồn ào biến động, sau những trầm mặc xưa cũ mà phố nặng mang. Đặt trong bối cảnh của mùa biến động, con người biến động, vậy phố có biến động, có đổi thay? “Ngay cả hôm qua phố cũng không là như cũ/ Nhưng còn lưu trong mạch máu phố điều gì/ Để truyền cho người như con cái/ Những con cái lớn lên bằng biết phố/ Những con cái sống bằng giữ phố” - đó phải chăng là hồn phố mà nhà thơ đã tìm ra, đằng sau những con phố/tên phố, những tắc đường, những ồn ào, những bức tranh, những đêm sâu, những phận người... Nguyễn Quang Hưng giữ được hồn phố riêng trong thơ của mình, đó là một hồn phố vĩnh cửu trong tâm thức anh, giữa mùa biến động.

Cho đến tập thơ Mùa biến động này thì thơ Nguyễn Quang Hưng vẫn chưa bao giờ giảm đi sự phóng khoáng, vạm vỡ và tinh nhạy. Đó là tố chất của người làm thơ nhưng cũng là khả năng của một người viết không thôi tự rèn giũa, tự tái tạo mình. Cũng ở anh, ta gặp những mơ mộng xa xăm: “Lạc về những thoáng qua tưởng nhớ/ Bóng núi này khuôn mặt như quen/ Suối này có tôi lội rừng vác gỗ/ Dựng nhà lên nhóm lửa mưa nguồn”.

Trước những biến động, thơ Nguyễn Quang Hưng mở ra những chiều liên tưởng khác để người đọc có thể nương theo đó và lựa chọn cho mình một cảm nhận riêng.

Hoài Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/978052/de-song-hon-nam-thang-sau-nay