Để sản phẩm truyền thống Việt Nam vươn ra thế giới

Nhờ những chính sách đúng đắn thúc đẩy phát triển làng nghề để người dân 'ly nông bất ly hương', nhiều làng nghề của Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngày càng có nhiều làng nghề Việt Nam vươn ra thế giới, xây dựng thương hiệu riêng, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người dân nông thôn ngay tại quê hương mình.

Nghề truyền thống - điểm tựa quan trọng cho kinh tế làng

Năm 1979, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm-OVOP” được khởi xướng tại tỉnh Oita (Nhật Bản), mang lại thành công ngoài mong đợi. Từ một tỉnh nghèo, Oita nhanh chóng vươn mình thành địa phương phồn thịnh với rất nhiều sản phẩm truyền thống đặc sắc vươn tầm thế giới. Từ thành công vang dội của mô hình OVOP, nhiều nước đã học tập kinh nghiệm này để phát triển thành mô hình phù hợp, hiệu quả.

Bà con Khmer ở huyện Trần Văn Thời phát triển làng nghề làm khô bổi. Ảnh: HUỲNH ANH

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với đặc trưng văn hóa làng xã. Ngay từ thuở lập nước, nhiều làng quê Việt Nam được những người giỏi nghề lập ra hoặc truyền dạy nghề để chuyên sản xuất một loại sản phẩm cung ứng cho thị trường. Những người lập làng hoặc truyền dạy nghề cho dân làng đều được người đời sau ở đó tôn vinh thành ông tổ nghề, thành hoàng làng. Với những đặc trưng mang tính lịch sử ấy, phát triển nghề truyền thống thành điểm tựa về kinh tế giúp làng, xã phát triển là mô hình rất phù hợp với Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh dẫn số liệu do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp: Cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Làng nghề là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền; huy động được nguồn lực của người dân ở khu vực nông thôn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cho nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp. Làng nghề cũng là nơi lưu giữ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống và bộ mặt khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa thành thị và nông thôn. Phát triển làng nghề là biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và còn là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh Mẫn Ngọc Anh: Làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới. Nhờ có làng nghề, hàng triệu người lao động không những có việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhậ, mà còn là cách tốt nhất để người nông dân “ly nông bất ly hương”.

Sản phẩm làng nghề truyền thống vươn ra thế giới

Điều đáng mừng là sản phẩm của nhiều làng nghề truyền thống Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới. Theo TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp: Trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề truyền thống về cơ bản khá nhỏ hẹp, tiêu thụ tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường xuất khẩu các sản phẩm truyền thống của Việt Nam đã mở rộng sang hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU… Nhờ đó, giá trị sản lượng ở các làng nghề truyền thống của Việt Nam phát triển rất nhanh.

Tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai cho rằng: "Sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làng nghề Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn do thị trường xuất khẩu được mở rộng, hình thức du lịch làng nghề phát triển. Doanh nghiệp hình thành ngay tại các làng nghề ngày càng nhiều. Vì thế, các sản phẩm làng nghề truyền thống đã xuất khẩu được tới nhiều nước. Để làng nghề Việt Nam vươn ra thế giới mạnh mẽ hơn, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của từng làng nghề, từng gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề, rất cần sự hỗ trợ thêm cả về cơ chế, chính sách, cũng như những hành động cụ thể từ các cơ quan hữu quan. Chẳng hạn, có thể xây dựng Bảo tàng Làng nghề Việt Nam để lưu giữ hiện vật, tư liệu có giá trị văn hóa của làng nghề; có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, nhất là thợ giỏi, thợ lành nghề cho các cơ sở sản xuất hàng truyền thống; kết nối cộng đồng làng nghề để phát triển du lịch, hội nhập quốc tế…".

Không thể phủ nhận, nhờ đưa sản phẩm truyền thống vươn ra thế giới, nhiều ngôi làng ở Việt Nam đã "thay da đổi thịt", trở thành những làng giàu có, như: Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gốm Thổ Hà, gốm Chu Đậu, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, thêu Ninh Hải, khảm trai Chuôn Ngọ… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, rất nhiều làng nghề Việt Nam dù có sản phẩm khá đặc trưng, đặc sắc, nhưng chưa có cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, dẫn tới không những không mở rộng được thị trường, mà còn ngày càng bị "teo tóp" do không cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Bởi thế, sự trợ giúp của các cơ quan hữu quan như cách mà Nhật Bản, Thái Lan đã thực hiện là rất quan trọng để các làng nghề phát triển. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương Việt Nam đang đi theo cách làm này và đạt những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Nếu mô hình này được nhân rộng, chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa các sản phẩm truyền thống Việt Nam được thế giới biết đến.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-san-pham-truyen-thong-viet-nam-vuon-ra-the-gioi-613546