Để rác thải nhựa không trở thành gánh nặng của môi trường

Hiện nay, dân số Đà Nẵng chỉ chưa đến 1 triệu người, nhưng có đến 1,7 triệu người xả rác mỗi ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 11,36%. Để rác thải nhựa không trở thành gánh nặng của môi trường, theo ông Trần Văn Tiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị (URENCO) Đà Nẵng, vấn đề lớn nhất là ý thức của người dân.

Phát sinh 20m3 rác thải nhựa/cửa hàng mỗi tháng

Theo URENCO Đà Nẵng, hiện mỗi ngày đơn vị này thu gom hơn 100 tấn rác thải nhựa, chiếm khoảng 11,36% (tương đương 99 tấn/ngày) tổng lượng rác thải toàn thành phố. Dân số Đà Nẵng chỉ chưa đến 1 triệu người, nhưng có đến 1,7 triệu người xả rác mỗi ngày do đặc thù của một thành phố du lịch.

Trong khi đó, rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa được quản lý có hệ thống. Người dân tự thu hồi rác thải nhựa để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Tại bãi rác, có lực lượng người nhặt rác mưu sinh bằng công việc nhặt các loại rác phế liệu, trong đó có rác thải nhựa. Đối với rác thải nhựa từ các cơ sở công nghiệp, các cơ sở này tự thu hồi để tái sản xuất hoặc bán phế liệu.

Rác thải nhựa từ thói quen uống trà sữa của giới trẻ.

Thực trạng rác thải nhựa hiện nay, ông Trần Văn Tiên – Phó TGĐ URENCO Đà Nẵng cho hay, hiện nay, Đà Nẵng có đến hàng trăm cửa hàng bán trà sữa, đồ uống. Khối lượng phát sinh rác thải nhựa 20m3 /tháng/cửa hàng. Trong số các loại chất thải nhựa có rác thải nhựa từ thói quen uống trà sữa của giới trẻ.

Rác trà sữa toàn bộ là nhựa, từ ly đựng trà sữa đến ống hút và bao bì đựng trà sữa. Và thực tế ý thức bảo vệ môi trường của các cửa hàng trà sữa và giới trẻ hiện nay chưa cao. Phải làm sao để không cho các cửa hàng trà sữa sử dụng vật liệu từ nhựa. Và cần có một sản phẩm thay thế để giảm lượng rác thải từ trà sữa.

Theo Phó TGĐ URENCO Đà Nẵng, vấn đề lớn nhất hiện nay là ý thức người dân. Nếu người dân dùng điện, nước nhưng không trả tiền sẽ bị cắt điện, nước, nhưng họ không trả tiền thu gom rác thì công ty môi trường vẫn có trách nhiệm thu gom rác. Mặc dù, quy định hiện hành mức xử phạt xả rác không đúng quy định lên đến 7 triệu đồng, nhưng thực tế đã có ai bị xử phạt hay chưa? Do vậy, vấn đề cấp thiết là công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Vấn đề nằm ở “ý thức”

Nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế chất thải rắn trên địa bàn thành phố, trong đó có rác thải nhựa, hiện Đà Nẵng đang tổ chức thí điểm phân loại rác tại nguồn ở hai phường Thạch Thang và Thuận Phước nhằm thu hồi rác tài nguyên (nhựa, kim loại, giấy…) để bán phế liệu. Dự kiến tiếp tục thực hiện nhân rộng trên toàn thành phố. Đồng thời, kêu gọi đầu tư thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý CTR, trong đó ưu tiên công nghệ tái chế, tái sử dụng, giảm thiếu tối đa việc chôn lấp (tỷ lệ chôn lấp <10%).

Phần lớn chất thải nhựa đều được thu gom về chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, để rác thải nhựa không trở thành gánh nặng với môi trường, Phó TGĐ URENCO Đà Nẵng nhấn mạnh, vấn đề tiếp theo là công tác tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền. Trẻ em tiểu học có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt nhưng cứ lên cấp 2 là không còn ý thức.

Do vậy, cần truyền thông về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương các chợ… cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông.

Đồng thời, tăng cường sản xuất và phổ biến rộng rãi các sản phẩm, vật dụng từ vật liệu thân thiện với môi trường; đặc biệt là phải có giải pháp để thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng…Ngoài ra, thành phố cần có những chính sách hợp lý cho việc tái chế và giải pháp công nghệ mới.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/de-rac-thai-nhua-khong-tro-thanh-ganh-nang-cua-moi-truong-1259183.html