Để quyền lợi của mọi lao động nữ được đảm bảo

Lao động nữ, nhất là lao động nữ trong các KCN-CX vẫn là đối tượng yếu thế, cần được sự quan tâm. Với vai trò của mình, tổ chức CĐ, mà đặc biệt là nữ công CĐ đã có nhiều hoạt động chăm lo cho chị em. Tuy nhiên, để lao động nữ thực sự bình đẳng và được đảm bảo về mọi mặt, cần có thêm sự chung tay từ nhiều phía.

Hội thi thợ giỏi do CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Ảnh: N.V

Từ câu lạc bộ “Sức khỏe của bạn”

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 200.000 CNVCLĐ, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70% (tỉ lệ nữ độ tuổi dưới 35 chiếm khoảng 80%). Nhiều công nhân trẻ đã lập gia đình, hoặc đang sống chung cùng bạn khác giới nhưng lại thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục an toàn. Do đó tỉ lệ CNLĐ nữ mắc bệnh phụ khoa, nạo phá thai cao. Nhiều công nhân e ngại khám phụ khoa, hoặc đi khám lúc bệnh đã nặng. Cá biệt, nhiều chị em khi mắc bệnh tự tìm hiểu qua mạng hoặc hỏi người xung quanh, rồi tự mua thuốc điều trị khiến bệnh tái phát nhiều lần.

Trao đổi với chúng tôi, chị Chu Thị Xuân Hảo - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên - cho biết từ năm 2015, thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn” do Tổng LĐLĐVN hướng dẫn, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp CĐ đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ nam và nữ trong các đơn vị, DN, đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho lao động nữ. Các cấp CĐ đã đưa nội dung CSSKSS vào kế hoạch hoạt động hằng năm của mỗi đơn vị, DN.

LĐLĐ tỉnh đã tổ chức mô hình điểm tại một số đơn vị như: CĐ các KCN, Cty Shints Phú Lương, Cty May xuất khẩu Shil-han. Riêng tại Cty Samsung Thái Nguyên, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên (thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên) tổ chức các chương trình theo tháng, với những nội dung như: Tổ chức truyền thông, khám phụ khoa, tư vấn về sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai thu hút nhiều CNLĐ tham gia.

Thống kê từ các đợt thăm khám cho thấy, CNLĐ nữ bị mắc bệnh phụ khoa chiếm 86% trên tổng số những người đến khám. Sau khi triển khai mô hình “Sức khỏe của bạn” tại các đơn vị, đặc biệt đối với đơn vị, DN đông lao động nữ, công tác truyền thông, tư vấn về CSSKSS được DN quan tâm nhiều hơn. Trong đó, CNLĐ, đặc biệt lao động nữ ngoài được khám định kỳ, còn được khám chuyên khoa miễn phí, xét nghiệm ung thư cổ tử cung; được tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe khi mang bầu.

Đến “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”

Trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thành lập mô hình điểm Câu lạc bộ “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” tại 2 đơn vị là TP.Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Định kỳ 3 tháng sinh hoạt 1 lần, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn như mời chuyên gia nói chuyện, tư vấn trực tiếp những vấn đề thực tiễn của địa phương, đơn vị và nhu cầu thiết thực của thành viên Câu lạc bộ.

Chị Hà Thị Tư Hậu - thành viên Câu lạc bộ tại thị xã Nghĩa Lộ - cho biết: “Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ được tư vấn về các chủ đề bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn tiền hôn nhân, chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh. Qua đó, chúng tôi được nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng để làm một người vợ, người mẹ hoàn hảo hơn”. Còn với chị Bùi Thị Hòa (CĐCS Cty Cổ phần Môi trường đô thị thị xã Nghĩa Lộ) - người mới xây dựng gia đình, thông qua nội dung hoạt động của Câu lạc bộ chị được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình và phụng dưỡng người cao tuổi. Cũng nói về những điều Câu lạc bộ đem lại, ông Cao Duy Huân (CĐCS phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ) chia sẻ: “Với tôi là cán bộ già, sắp về hưu nhưng từ khi được tham gia Câu lạc bộ, tôi đã biết quan tâm tới vợ con nhiều hơn, chăm sóc bà xã nhiều hơn và cũng yêu vợ hơn. Tôi mong CĐ nhân rộng mô hình, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, CNVCLĐ để tập hợp CNLĐ, tuyên truyền về giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam”.

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/de-quyen-loi-cua-moi-lao-dong-nu-duoc-dam-bao-636649.ldo