Để quy hoạch không bỏ quên 'văn hóa'

Một tuần qua, giữa bề bộn những thông tin gây xôn xao dư luận, có một thông tin được bàn luận không ít chút. Đó chính là 'Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025' được Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trình lên HĐND Thành phố. Thế nào là đô thị thông minh, để trở thành đô thị thông minh cần những điều kiện gì…, chính là những câu hỏi bàn luận được đưa ra trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Và nếu phải đóng góp một ý kiến cho việc xây dựng một đô thị văn minh, có lẽ điều quan trọng nhất mà không ít người trong chúng ta sẽ muốn đề cập tới chính là quy hoạch. Quy hoạch ở đây không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề sắp xếp lại đô thị một cách khoa học, có tính bền vững mà còn phải kể đến yếu tố cấp thiết hơn là quy hoạch có văn hóa, hay nói rõ hơn là quy hoạch không bỏ quên văn hóa cũng như nhu cầu về tinh thần cho người dân.

Một ví dụ nhỏ mà chúng ta có thể nêu ra ở đây chính là câu hỏi "có bao nhiêu sân bóng đá đạt tiêu chuẩn an toàn đối với người dân TP Hồ Chí Minh hiện nay?". Sở dĩ có câu hỏi ấy là bởi nhu cầu chơi bóng đá của nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung là rất lớn. Và trong suốt hơn chục năm qua, việc tư nhân mở các sân bóng cho thuê cũng trở nên phổ biến hơn và để kiếm tìm một sân bóng đá trong nội thành là việc không quá khó. Nhưng vấn đề đặt ra là sân bóng đá ấy có đạt tiêu chuẩn an toàn hay không.

Theo như bác sỹ Phạm Quốc Hùng, một bác sỹ hàng đầu về điều trị chấn thương thể thao ở TP Hồ Chí Minh, người đã từng chữa trị cho nhiều tuyển thủ quốc gia, mỗi năm bác sỹ Hùng mổ ít nhất 600 ca chấn thương đầu gối cho những người chơi bóng phong trào. Con số ấy vẫn còn có xu hướng tăng cao hơn nữa và chính bác sỹ Hùng đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản nhất khiến tình trạng chấn thương đầu gối thường xuyên xảy ra. Không phải do va chạm trên sân bóng là chủ yếu mà nguy hiểm thay, chất lượng kém của các sân cỏ nhân tạo đã khiến người chơi bóng đễ dàng gặp chấn thương hơn.

Theo đánh giá chung của giới chơi bóng chuyên nghiệp, mặt sân cỏ nhân tạo duy nhất đạt tiêu chuẩn FIFA ở Việt Nam hiện nay chính là sân của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ở Hà Nội. Còn lại, tất cả các sân đang cho thuê dịch vụ khác đều làm theo kiểu đối đế, với nền sân quá cứng và gây tác hại lâu dài cho người chơi bóng trên những mặt sân như thế.

Quay trở lại với vấn đề quy hoạch, chúng ta nhận thấy rõ ràng xu hướng quy hoạch đô thị hiện nay là tập trung phát triển nhà cao tầng, chung cư mà bỏ quên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh các khu nhà cao tầng tập trung đông dân cư ấy. Tất cả đều suy nghĩ rất đơn giản rằng chỉ cần có các tiện ích dịch vụ xung quanh khu dân cư là đủ. Không ai nhắc đến nhu cầu giải trí, sinh hoạt thể thao của dân cư và gần như các nhà đầu tư cũng không quan tâm tới việc tập trung quá đông dân cư ở một khu vực mà đường sá không được cải thiện thì tình trạng ùn tắc và ngập lụt sẽ là hệ quả kéo theo thường xuyên.

Đó là còn chưa nói đến các tụ điểm văn hóa gần như đã không còn được chú trọng đầu tư xây dựng, bảo dưỡng và tôn tạo nữa. Ngoài hệ thống rạp chiếu phim hiện thời, cùng những nhà hát có từ xưa, TP Hồ Chí Minh hiện nay thuộc diện đô thị nghèo nàn về đời sống văn hóa. Cái gọi là "đặc sản của Sài Gòn" là phòng trà cũng đã èo uột hơn rất nhiều. Có lẽ, đời sống văn hóa đô thị hiện thời chỉ có mỗi quán nhậu là lên ngôi và nếu coi đó là cách thụ hưởng đời sống giải trí tinh thần thì thực sự đáng lo ngại quá.

Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại về quy hoạch đô thị một cách nghiêm túc hơn với những quy định ngặt nghèo cho từng chủ đầu tư. Với một dự án dân cư cao tầng, phải có yêu cầu xây dựng những sân chơi thể thao, giải trí cho một tập hợp tối thiểu là bao nhiêu cư dân. Và việc đầu tư xây dựng các điểm giải trí công cộng như thế cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cư dân.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/de-quy-hoach-khong-bo-quen-van-hoa-469332/