Để Quảng Ninh xanh và sạch

Năm 2018, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm là 'Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên'. Qua 10 tháng, hàng loạt các chương trình, chủ trương được triển khai, bước đầu đã có những tác động nhất định đến nhận thức của cộng đồng, xã hội. Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên là việc cần thiết và phải được thực hiện kiên trì, lâu dài.

Quyết liệt chỉ đạo

Tháng 8/2017, sau khi thị sát hoạt động khai thác thủy sản khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và một số địa phương ven biển, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu xây dựng kế hoạch, tổ chức chương trình tổng thể ra quân trên toàn tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập các đoàn bao gồm các lực lượng chức năng (Biên phòng, CSGT đường thủy, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cảnh sát biển, Kiểm ngư…) để rà soát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, quyết liệt và xử lý nghiêm đối với các phương tiện sử dụng công cụ khai thác, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt. Đồng thời, UBND các địa phương phải thông tin, tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn không sử dụng các thiết bị cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản; rà soát, kiểm tra các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản, nhất là những phương tiện đánh bắt gần bờ. Đây được coi là một trong những chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên của tỉnh.

Lực lượng chức năng TX Quảng Yên kiểm tra, xử lý phương tiện khai thác thủy sản vi phạm trên địa bàn.

Tiếp đó, ngày 8/12/2017, tại Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 đã xác định chủ đề công tác năm của tỉnh là "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống" với rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đề ra. Chẳng hạn như: Ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các phương án, đề án đảm bảo vệ sinh môi trường các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai các giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường; rà soát quy trình xử lý các loại rác thải hướng tới chấm dứt việc chôn lấp rác; đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn nguyên, giữ rừng đầu nguồn; kiểm soát nước sạch, hợp vệ sinh; tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; tập trung thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và các giải pháp di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm đô thị, đưa vào các cụm công nghiệp; chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng vào cuối năm 2018; tập trung chỉ đạo hoàn thành vận hành hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường toàn tỉnh; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng các mô hình, phong trào nhân dân, doanh nghiệp tham gia giám sát, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống; bổ sung các chế tài mạnh để xử lý nghiêm khắc các vi phạm về môi trường; quy hoạch và sớm triển khai các vùng bảo tồn đặc biệt đối với tài nguyên rừng, biển thuộc Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Cô Tô...

Lãnh đạo và nhân dân huyện Hải Hà tham gia thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Thành Thắng (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Hiện thực hóa mục tiêu “nơi cần đến và đáng sống”

Qua 10 tháng triển khai thực hiện chủ đề công tác năm, đã có 5/10 chỉ tiêu liên quan đến vấn đề môi trường được đề ra đạt từ 100% trở lên. Đó là: 94% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 97,2% số dân nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 83% dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% chất thải y tế được xử lý, 100% khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, chỉ tiêu thu gom chất thải rắn đô thị đạt 99,7%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển bao bì thuốc bảo vệ thực vật đạt 94%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 99,9%. Trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh đã xử phạt 537 trường hợp vi phạm về môi trường với số tiền trên 9,1 tỷ đồng.

Lấy mẫu nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Bãi Cháy (TP Hạ Long) để làm xét nghiệm, phân tích chỉ số an toàn.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng chủ động tham mưu hoàn thành quy hoạch ngành, chính sách, dự án về bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ. Riêng ngành Than đã hoàn thành việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm; tích cực triển khai các nhiệm vụ cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải mỏ, xây dựng đê, đập chắn đất đá trôi; cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xây dựng các tuyến băng tải than, cầu vượt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động... Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng lộ trình di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị hiện đang tồn tại trong khu dân cư. Thực hiện các giải pháp chấm dứt các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công và các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lạc hậu. Cơ bản hoàn thành việc đóng cửa các bãi chôn lấp rác trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ...

Điển hình là TP Hạ Long, trong 9 tháng đã ban hành 1 quyết định, 4 kế hoạch, 54 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Hoàng Quang Hải cho biết: “Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, thành phố cũng triển khai các giải pháp đột phá trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên tập trung phòng ngừa, hạn chế, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải tạo, phục hồi môi trường. Hiện, môi trường trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần xây dựng thành phố trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và du khách, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nơi cần đến và đáng sống”.

Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh tổ chức dọn vệ sinh tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Song song với đó, công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cũng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có trên 2.000 tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về chủ đề năm trên các ấn phẩm báo chí. Các địa phương phát động hưởng ứng hoạt động bảo vệ môi trường với sự tham gia của hàng nghìn người dân; phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, Ngày thứ 7 nông thôn mới… được triển khai rộng khắp. Bà Vũ Thị Liên, thôn 2, xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên, chia sẻ: “Dường như đã vào nề nếp nên chủ nhật hằng tuần là bà con lại cùng dọn dẹp, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thông qua các hoạt động chung, bà con trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống hằng ngày, càng tăng thêm mối đoàn kết trong khu dân cư”.

Vĩ An - Thanh Hoa

Chung tay bảo vệ môi trường

Bà Nguyễn Thị Hoàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Song Hành, TX Quảng Yên: “Ủng hộ chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh”

Đứng trên phương diện đại diện cho doanh nghiệp hay là cá nhân, bản thân tôi rất ủng hộ chủ đề công tác năm của tỉnh. Đây là việc làm cấp bách và cần thiết, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chính chúng ta.

Việc bảo vệ môi trường luôn được chúng tôi coi trọng. Đề án sản xuất rau an toàn của Công ty chúng tôi đang triển khai thực hiện góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường trong phát triển nông nghiệp. Do vậy, chúng tôi luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Toàn bộ nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sơ chế đều là nước giếng khoan, không sử dụng nước kênh mương. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp cùng địa phương trong tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phân bón, hóa chất đúng cách, thu gom bao bì, vệ sinh đồng ruộng…

Ông Hoàng Văn Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên: “Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về nâng cao chất lượng môi trường”

Đông Ngũ là xã thuần nông với trên 50% dân số là người dân tộc thiểu số. Trước kia, vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập, ý thức người dân còn hạn chế. Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới và chủ đề công tác năm của tỉnh, các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng nếp sống văn minh, phân loại, xử lý rác thải ngay tại gia đình… Xã cũng thí điểm xây dựng chuồng trại gia súc tập trung tại thôn Sán Xế Đông, bước đầu cho thấy hiệu quả, sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn khác. Nhờ vậy, môi trường khu vực đã có nhiều chuyển biến. Trong năm nay, xã phấn đấu 9/16 thôn trên địa bàn có dịch vụ thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường...

Ông Đoàn Xuân Tửu, Bí thư kiêm Trưởng khu Tây Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả: “Người dân có ý thức cao trong bảo vệ môi trường”

Nhờ việc chủ động tuyên truyền, nhắc nhở cũng như kêu gọi người dân tham gia bảo vệ môi trường trong những năm qua, đến nay người dân ở khu có ý thức và trách nhiệm hơn đối với môi trường nơi sinh sống. Hằng ngày, các gia đình thay phiên nhau quét dọn ngõ xóm, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Các ban, ngành, tổ chức của khu phố và phường còn tổ chức “Ngày chủ nhật xanh”, kêu gọi mọi người tham gia dọn dẹp các địa điểm nhiều cỏ dại, khu vực mất vệ sinh; đồng thời, trồng hoa dọc các tuyến đường trong thôn xóm. Từ đó, đường phố trong khu luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật.

Bà Mạc Thị Mát, công nhân Công ty Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh: “Người dân cần nâng cao ý thức trong phân loại rác thải”

Để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, các tổ, đội trong Công ty chúng tôi đã tăng thời gian và tần suất dọn dẹp. Tuy nhiên, người dân cần phân loại rác thải, đổ rác đúng nơi và đúng giờ quy định, không vứt rác bừa bãi. Nhiều khu vực chúng tôi vừa dọn xong thì người dân lại mang rác ra vứt khiến lượng rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Tôi cũng mong tổ trưởng, khu trưởng tại khu dân cư cần thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cao ý thức để môi trường sạch đẹp hơn.

Thanh Hoa - Hoàng Quỳnh (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/bao-ve-va-nang-cao-chat-luong-moi-truong-tu-nhien-de-quang-ninh-xanh-va-sach-2406311/