Để Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Hành trang vươn tầm cao mới

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực lớn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang nâng cấp đô thị và hiện đang tập trung xúc tiến hoàn thành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Đây là hành trang để Quảng Ninh vươn lên tầm cao mới, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, với dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Một góc đô thị TP Hạ Long hôm nay. Ảnh: Hùng Sơn

Nền tảng vững chắc

Với vai trò là hạt nhân đi đầu, là trái tim trong định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, TP Hạ Long giờ đây đã và đang vươn mình mạnh mẽ trở thành đô thị hiện đại với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường 10 làn xe nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn với đường Hoàng Quốc Việt; nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Văn Cừ; cải tạo nút giao thông Loong Toòng và tuyến đường Trần Hưng Đạo... Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại như công trình văn hóa, trung tâm thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí hiện đại mang đẳng cấp quốc tế cũng đã hiện diện trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, Hạ Long trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước và bước sang một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới và có tính chiến lược lâu dài. Tới đây những con đường mới sẽ được hình thành như: Cầu Cửa Lục 1, đường nối KCN Việt Hưng qua KCN Cái Lân với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với tầm nhìn từ vịnh Hạ Long sang Bái Tử Long và nhiều "cánh tay" nối dài khác... sẽ đưa Hạ Long xứng tầm là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, là đô thị xanh phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Nằm cạnh TP Hạ Long là TX Quảng Yên - một đô thị ven biển phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh với hơn 200 năm xây dựng và phát triển. Trong những năm qua, thị xã đã dành nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và đô thị; xây mới, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch để tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế - xã hội với các đô thị lân cận. Cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị, Quảng Yên đặc biệt quan tâm triển khai các dự án khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cấp hệ thống đê biển, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, xây dựng các điểm thu gom rác thải xa khu dân cư...

Với hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xứng tầm, ngày 14/7 vừa qua, TX Quảng Yên đã chính thức được công nhận là đô thị loại III. Đây là cơ hội để địa phương nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Đồng thời, cùng với các đô thị Đông Triều, Uông Bí góp phần tạo ra thế và lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

Cùng với Hạ Long, Quảng Yên, hiện Quảng Ninh có hệ thống đô thị khá phát triển, với 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP Hạ Long; 3 đô thị loại II là TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái; 1 đô thị loại III là TX Quảng Yên; 2 đô thị loại IV là TX Đông Triều, thị trấn Cái Rồng, hiện Đông Triều đang trình Bộ Xây dựng Đề án công nhận là đô thị loại III; 6 đô thị loại V là các thị trấn: Quảng Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2019 là 66,65%, là mức cao so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 40,43%), so với trung bình cả nước (đạt 35,74%) và là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các đô thị này đều là các trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh và mỗi địa phương.

Phối cảnh quy hoạch TX Quảng Yên đến năm 2030.

Tiếp tục nâng chất các đô thị

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã từng nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. Đây là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là kết quả của ý chí, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Vì vậy để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến hoàn thành Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030, với dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 sẽ xây dựng đích đến cho từng giai đoạn. Đến 2025 toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; đến năm 2030 toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, với 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn và 1 thị xã là Tiên Yên. Hải Hà, Móng Cái phát triển lên đô thị loại I trở thành một đơn vị hành chính thống nhất, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của KKT Cửa khẩu Móng Cái... Đến nay, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đang trong quá trình xin ý kiến của Bộ Xây dựng, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua.

Việc Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 sớm được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch các KKT, quy hoạch các địa phương đang điều chỉnh đảm bảo đồng bộ. Đồng thời, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị toàn tỉnh thông qua việc hoàn thiện hạ tầng KT-XH, trong đó trọng điểm là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường kết nối ven biển, ven sông Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; công trình động lực của TP Hạ Long mới; hạ tầng động lực trong KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT Quảng Yên...

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/de-quang-ninh-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-hanh-trang-vuon-tam-cao-moi-2492991/