Đề phòng sét đánh

Tại các tỉnh Tây Nguyên trong đó có tỉnh Đắk Lắk đang chuyển sang mùa mưa, thường xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan, sáng, trưa nắng nóng nhưng đến khoảng chiều, tối xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc tố, sấm sét... Đáng lo ngại là mùa mưa năm nào cũng có người chết vì bị sét đánh, song bà con nông dân vẫn còn thiếu hiểu biết về việc phòng tránh sét và cấp cứu người bị sét đánh.

Thực hiện hô hấp, trợ tim nhân tạo cho người bị sét đánh.

Mưa đá, sấm sét làm chết 1 người, bị thương 5 người

Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều trận mưa dông, lốc tố, mưa đá, sấm sét, làm chết 1 người, bị thương 5 người, gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, cơ sở hạ tầng với tổng giá trị trên 143,3 tỷ đồng, chủ yếu là tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn.

Cụ thể, khoảng 15h ngày 7/5, 4 người gồm: ông Hoàng Văn Đồng (34 tuổi), ông Nguyễn Ngọc Sửu (52 tuổi), Hoàng Thanh Hiếu (18 tuổi, đều trú buôn Ea Prí, xã Ea K’Pam) và ông Lãnh Như Biểu (56 tuổi, trú tại thôn 6, xã Ea Wer) đi chăn bò. Khi nhóm người đến suối Ea K’Pam thì bất ngờ bị sét đánh. Vụ việc khiến ông Đồng tử vong tại chỗ; ông Sửu bị chảy máu tai; ông Biểu bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Buôn Đôn. Riêng Hiếu không bị thương tích.

Trước đó, chiều 6/5, em Nông Văn Dũng (15 tuổi, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong) và bà H’Nghách Ria (36 tuổi) ngụ cùng xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, đi trồng mì thuê cho một hộ dân tại địa phương. Khi cả hai người đang trồng mì thì trời đổ mưa kèm theo sấm sét. Em Dũng bị sét đánh tử vong còn bà H’Nghách được người dân đưa đi điều trị tại bệnh viện.

Những vụ sét đánh chết người ở trên thường xảy ra ngoài trời, trong lúc mưa giông nhưng ngay cả khi trú ẩn trong nhà – nơi tưởng như an toàn nhất thì sét vẫn đánh trúng mâm cơm gia đình, khiến 1 bé gái tử vong, 3 bé bị thương. Đó là vụ tai nạn đau lòng xảy ra cách đây 1 năm tại thôn 9, xã Cư Knia, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Vào thời điểm trên, tại địa bàn xã xuất hiện mưa lớn kèm sấm, sét. Lúc này, 8 người trong gia đình cháu Dậu đang quây quần ăn cơm thì bị sét đánh trúng mâm cơm. Hậu quả, cháu Dậu bị sét đánh trúng trực tiếp tử vong tại chỗ; 3 nạn nhân khác là Thào Thị Thề (SN 1991), Thào Văn Sinh (SN 2000) và Thào Thị Diễm (SN 2003, là anh, chị em ruột của Dậu) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Cư Jút. 4 người thân còn lại của cháu Dậu cũng bị choáng váng.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho bà con trong mùa mưa, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời khuyến cáo đồng bào các dân tộc trên địa bàn cảnh giác, chủ động phòng tránh nhằm giảm thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

Theo đó, khi có hiện tượng mưa dông kèm theo sấm sét, bà con đang ở trên nương rẫy cần tránh xa những khu vực cao hơn xung quanh, không núp dưới tán cây cao, các cột dẫn điện, vật dụng có kim loại như cuốc, xẻng, máy cày, máy bơm nước, đặc biệt, không dùng điện thoại di động…; nên tìm chỗ khô ráo, đứng ở vị trí càng thấp càng tốt, không nằm xuống đất, không đến chỗ có nước. Nếu ở trong nhà, bà con cần đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, đồ dùng điện, rút các thiết bị điện trước khi có giông tố, sấm sét, không nên dùng điện thoại…

Lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, tập huấn, cảnh báo các cấp chính quyền, người dân về các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm như lũ quét, sạt lở, sét, lốc tố... Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chằng chống nhà cửa, tuân thủ nguyên tắc an toàn khi sử dụng, vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng…

Cấp cứu ngay trong 7 phút đầu tiên

Sét là một dòng điện cực mạnh và kim loại lại dẫn điện rất tốt. Dòng điện này có cường độ từ vài chục nghìn tới hơn một trăm triệu vol. Khi phóng tia lửa điện, nhiệt độ tia lửa điện do sét gây ra có thể lên tới hàng nghìn độ C. Tốt nhất, bạn hãy tránh xa những vật dụng như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm… vì chúng dẫn điện rất tốt.

Ở Việt Nam, sét thường xuất hiện trong các cơn giông mùa hè. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam bộ. Vùng núi tuy giông sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Còn ở trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.

Khi nạn nhân bị sét đánh, theo các chuyên gia y tế, việc cần làm ngay là hô hấp nhân tạo kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cách làm này sẽ giúp cứu sống rất nhiều nạn nhân bị sét đánh mà trước đó tưởng như đã chết. Vấn đề là phải làm thật nhanh trong khoảng 7 phút đầu tiên.

Cụ thể, đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương làm ngay hô hấp nhân tạo kết hợp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cứ 5 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực thì hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt một lần. Làm liên tục như thế nhiều lần.

Theo các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức, có những trường hợp có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể bị các triệu chứng như ngừng tim ngay lập tức; mất ý thức trong thời gian khác nhau, thậm chí có người lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị bỏng da; bị gãy xương và trật khớp; bị vỡ xương sọ và các tổn thương cột sống. Cũng có thể bị khó thở, tổn thương mắt gây ra nhìn mờ ngay lập tức hoặc bị đục thủy tinh thể muộn, thủng màng nhĩ gây đau, điếc và chóng mặt.

Vì thế việc cấp cứu người bị sét đánh, cần phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức cho bất cứ nạn nhân nào ngừng thở hoặc không có mạch. Sau đó đưa ngay đến bệnh viện gần nhất. Nếu nạn nhân có mảnh quần áo, giày cháy sém do sét đánh thì nhanh chóng tách vải ra khỏi vết thương để hạ nhiệt, tháo đồng hồ, trang sức, vật cứng tì vào vết thương để tránh phù nề.

Để đề phòng sét đánh, khi mưa giông, cần phải tìm nơi trú ẩn ngay lập tức nếu đang ở bên ngoài. Sét có thể di chuyển 16-19 km phía trước hoặc phía sau cơn giông bão.

Hồng Hải

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/de-phong-set-danh-tintuc404450