Đề phòng nguy cơ phản ứng dị ứng khi truyền máu

Truyền máu có thể xảy ra các phản ứng bất lợi dù hiếm gặp. Một số bệnh nhân có thể phát triển phản ứng dị ứng với máu truyền trong quá trình truyền máu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Suckhoedoisong, TS. BS. Lê Thanh Hải cho biết, trong trường hợp mất máu nghiêm trọng, truyền máu có thể cần thiết để giúp phục hồi sức khỏe. Mặc dù hiếm xảy ra, tuy nhiên một số phản ứng có thể xảy ra trong quá trình truyền máu.

Trong quá trình truyền máu, các thành phần thông thường nhất của máu được truyền là huyết tương, tiểu cầu hoặc hồng cầu. Điều rất quan trọng và bắt buộc là phải có sự phù hợp loại máu của người hiến và người nhận truyền máu, vì phản ứng truyền máu có thể xảy ra trong quá trình truyền máu. Mặc dù hiếm xảy ra, nhưng những phản ứng này có thể dẫn đến các tác hại trên nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các nguy cơ chính của truyền máu

Phản ứng sốt

Người bệnh phát sốt một cách bất ngờ trong vòng 24 giờ hoặc trong khi truyền máu. Sốt có thể kèm các triệu chứng đau đầu, ớn lạnh, buồn nôn hoặc cảm giác khó chịu. Phản ứng sốt thường là do đáp ứng của cơ thể đối với các bạch cầu có trong máu hiến. Những phản ứng này phổ biến hơn ở những người đã từng được truyền máu trước đây hoặc ở những phụ nữ có thai nhiều lần.

Các tổn thương phổi cấp tính

Mặc dù tổn thương phổi cấp tính do truyền máu hiếm khi xảy ra, nhưng đó là một trong những nguy cơ truyền máu nghiêm trọng.

Phản ứng này thường bắt đầu trong vòng 1-2 giờ sau khi truyền, nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau 6 giờ truyền máu. Triệu chứng chính là khó thở có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương phổi cấp tính do truyền máu trong quá trình truyền máu, nên ngừng truyền máu và can thiệp cấp cứu ngay.

Phản ứng tan máu miễn dịch cấp tính

Mặc dù rất hiếm gặp, đây cũng là một trong những nguy cơ nghiêm trọng. Phản ứng xảy ra khi máu của người hiến và người nhận không phù hợp. Các tế bào hồng cầu của máu được truyền sẽ bị tấn công bởi các kháng thể trong máu của người nhận làm hồng cầu vỡ ra và giải phóng các sản phẩm độc hại vào máu của người nhận máu.

Các triệu chứng thông thường của phản ứng này là sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau ngực và đau thắt lưng. Thận có thể bị hư hại nặng và cần chạy thận nhân tạo cấp cứu. Tử vong có thể xảy ra do phản ứng tan máu nếu không ngừng truyền máu ngay lập tức.

Phản ứng tan máu miễn dịch chậm

Trong loại phản ứng này, cơ thể bệnh nhân tấn công các kháng nguyên, trừ các kháng nguyên ABO, có mặt trên các tế bào máu truyền vào, những tế bào này bị tiêu hủy vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi truyền máu.

Thông thường không có triệu chứng, nhưng nó có thể phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu truyền và dẫn đến sự giảm số lượng hồng cầu ở bệnh nhân. Hiếm khi, thận có thể bị ảnh hưởng và có thể cần điều trị. Loại phản ứng này thường xảy ra ở những người đã từng truyền máu trong quá khứ. Trong trường hợp này, truyền máu không được chứa kháng nguyên mà đã bị tấn công bởi cơ thể.

Phản ứng mảnh ghép chống lại vật chủ

Loại phản ứng này xảy ra trong quá trình truyền máu ở bệnh nhân có hệ miễn dịch rất yếu. Các tế bào bạch cầu có trong máu truyền sẽ tấn công các tế bào của bệnh nhân. Phản ứng này phổ biến hơn khi truyền máu được lấy từ người họ hàng hoặc người có cùng kiểu tổ chức mô như bệnh nhân.

Nếu các bạch cầu trong máu được truyền không bị hệ thống miễn dịch của người bệnh nhận ra, chúng sẽ sống sót và sau đó có thể tấn công các mô cơ thể của bệnh nhân. Các triệu chứng như rối loạn chức năng gan, sốt, nổi ban và đi phân lỏng có thể xảy ra trong một tháng truyền máu.

Nhiễm trùng

Một số vi trùng lây nhiễm như HIV có thể tồn tại trong máu được truyền máu và có thể lây nhiễm cho bệnh nhân đang được truyền máu. Vì sự an toàn của máu, máu hiến tặng bây giờ được kiểm tra cẩn thận bởi các ngân hàng máu. Nguy cơ lây nhiễm virus trong khi truyền máu là rất thấp.

Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ khoảng 1/2 triệu người truyền máu, đối với bệnh viêm gan B chỉ khoảng 1 trên 205.000 người và đối với viêm gan C là 1/2 triệu người. Máu có thể bị nhiễm bẩn bởi một lượng nhỏ vi khuẩn trên da trong khi hiến máu. Điều này có thể gây bệnh nặng ở bệnh nhân vài phút hoặc nhiều giờ sau khi bắt đầu truyền máu.

Phản ứng dị ứng

Phản ứng dị ứng cũng là một trong những nguy cơ truyền máu. Một số bệnh nhân có thể phát triển phản ứng dị ứng với máu truyền trong quá trình truyền máu. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay cả khi máu truyền loại máu đúng. Các triệu chứng có thể nặng hoặc nhẹ và bao gồm đau ngực, đau lưng, hồi hộp, khó thở, huyết áp thấp, nhịp nhanh, ớn lạnh, sốt, da ướt, đỏ bừng và buồn nôn. Việc truyền máu phải được dừng ngay lập tức nếu thấy phản ứng dị ứng.

Quá tải chất lỏng

Đôi khi, một lượng lớn máu được truyền trong một thời gian ngắn và cơ thể không thể chuyển tải kịp thời. Loại phản ứng này được gọi là quá tải chất lỏng. Nó xảy ra phổ biến hơn ở bệnh nhân cao tuổi, ở những người yếu ớt hoặc bị bệnh nặng (như bệnh tim) hoặc ở những bệnh nhân có trọng lượng cơ thể thấp. Hậu quả có thể dẫn tới suy tim hoặc khó thở...

Quá tải chất sắt

Một trong nguy cơ sau cùng của truyền máu là tình trạng quá tải sắt. Số lượng lớn chất sắt có thể tích tụ trong máu nếu bạn truyền máu quá nhiều. Bệnh nhân bị các chứng rối loạn về máu như Thalassemia hoặc những người cần nhiều lần truyền máu có nguy cơ bị quá tải sắt. Dẫn tới gan, tim và các bộ phận khác của cơ thể có thể bị tổn thương.

Hệ nhóm máu ABO.

Cách phân loại nhóm máu

Cách phân biệt các loại nhóm máu dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu. Hiện nay các nhà khoa học đã xác định được khoảng 30 hệ nhóm máu khác nhau của hồng cầu với 300 kháng nguyên.

Các hệ nhóm máu

Trong khoảng 30 hệ nhóm máu khác nhau được xác định thì hệ nhóm máu ABO và Rh D là hai hệ chính và rất quan trọng vì có tính sinh miễn dịch cực mạnh.

Hệ nhóm máu ABO

Nhóm máu A: Có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể B trong huyết thanh. Người có nhóm máu A có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu A, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu A cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.

Nhóm máu B: Có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể A trong huyết thanh. Người có nhóm máu B có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu B cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.

Nhóm máu AB: Có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu không phổ biến. Người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ bất kỳ người có nhóm máu nào. Tuy nhiên, vì có cả hai kháng nguyên AB trên tế bào hồng cầu nên người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu AB.

Nhóm máu O: Không có kháng nguyên A, kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có cả kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu phổ biến nhất. Người có nhóm máu O chỉ có thể nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nhóm máu này sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, do nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên.

Hệ nhóm máu Rh – kháng nguyên D (Rh D)

Kháng nguyên D thuộc hệ nhóm máu Rh có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong tất cả các hệ nhóm máu ngoài hệ nhóm máu ABO. Do đó, đây là hệ nhóm máu quan trọng sau hệ nhóm máu ABO.

Hầu hết máu ở người đều có kháng nguyên D trên hồng cầu, thường gọi là Rh D(+). Ngược lại, không có kháng nguyên D trên hồng cầu thì được gọi là Rh D(-). Tỷ lệ người có Rh D(-) tại Việt Nam chỉ khoảng 0,07%, nên đây được xem là một nhóm máu hiếm.

Người có nhóm máu Rh D(-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh D(+), nhưng chỉ được nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu và có Rh D(-).

Truyền máu: Khi nào cần thực hiện?

Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và mức độ mất máu, bác sĩ sẽ xử trí truyền máu hay các chế phẩm của máu cấp cứu một cách phù hợp nhằm giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được cứu sống.

1. Truyền máu là gì?

Truyền máu là một hoạt động nhận máu hoặc các chế phẩm máu bao gồm hồng cầu lắng, tiểu cầu và huyết tương từ người khác để lưu trữ lại trong túi nhựa và truyền qua dây truyền có kim tiêm gắn vào tĩnh mạch cánh tay của người nhận. Hoạt động truyền máu không gây cảm giác đau đớn nhưng có thể sẽ khiến người nhận khó chịu một chút, mỗi đơn vị máu thường sẽ được truyền trong khoảng từ 2 - 4 giờ.

An toàn truyền máu là một quy trình khép kín với nhiều giai đoạn từ tìm người hiến máu, thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ máu và phân phối...cuối cùng mới đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên cơ thể người nhận.

Hiện nay, máu và các chế phẩm của máu được sử dụng rất rộng rãi trong trị liệu nội khoa, ngoại khoa, sản, nhi khoa và các chuyên khoa khác với mục tiêu bồi hoàn thể tích tuần hoàn máu và thành phần thiếu của máu hoặc để giúp bệnh nhân hồi sức khi dùng thuốc hóa trị có ảnh hưởng đến tủy xương. Đặc biệt, trong sản khoa, sản phụ bị chảy máu trong quá trình chuyển dạ và khi sinh là một biến chứng nguy hiểm, nếu không được xử lý kịp thời và hồi sức tốt thì có thể gây tử vong nhanh chóng cho sản phụ.

2. Cần truyền máu khi nào

Máu và các chế phẩm máu từ người hiến sẽ được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được.

Bệnh nhân cần phải truyền máu trong trường hợp: Bị mất máu trầm trọng do phẫu thuật hoặc do tai nạn; Mắc bệnh thiếu máu, chảy máu hay rối loạn đông máu; Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý và các rối loạn máu.

Trước khi tiến hành truyền máu, bác sĩ sẽ giải thích với bệnh nhân bị mất máu và truyền máu vì sao phải truyền máu, tuy nhiên, sự lựa chọn của bệnh nhân trong trường hợp này có thể sẽ bị hạn chế vì nếu từ chối truyền máu sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm đến tính mạng.

P.Vân (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-phong-nguy-co-phan-ung-di-ung-khi-truyen-mau-548007.html