Đề phòng nạn đuối nước trong mùa hè

Đuối nước không phải là chuyện mới, nhưng thường gia tăng mỗi khi dịp hè đến. Đây không chỉ là nỗi lo của mỗi gia đình có trẻ em, mà cần có sự chung tay của xã hội.

Trẻ em tắm sông

Trẻ em tắm sông

Thống kê của Bộ LĐTB-XH, mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm gần 50% do tai nạn thương tích. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần hồ, ao, sông, suối, kênh, rạch… không có sự bảo vệ, theo dõi của người lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước rộ lên trong mùa hè là do hiện nay ở nhiều địa phương thiếu các sân chơi lành mạnh, đã khiến các cháu nhỏ từ nông thôn đến thành phố tìm đến ao, hồ, sông suối, các bãi tắm tự phát, trong khi lại thiếu hiểu biết về kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự giám sát của người lớn.

Vào thời điểm thời tiết nắng nóng của mùa hè, trẻ em thường có xu hướng thích chơi đùa với dòng nước mát. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước ở nước ta rất thấp. Thêm nữa, nhận thức xã hội và người dân, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống đuối nước còn hạn chế.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có Công văn 1715 về việc tăng cường các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020, yêu cầu các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội trong đời sống hàng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020…

Triển khai chỉ đạo này, các cơ sở giáo dục cần quan tâm đầu tư, tổ chức các lớp học bơi an toàn trong môi trường nước, đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chính quyền địa phương các cấp cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn quản lý và sử dụng có hiệu quả các điểm vui chơi tại cộng đồng; tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao phục vụ trẻ em trong dịp hè.

Đối với các phụ huynh, người chăm sóc trẻ, cần phải chú trọng không cho trẻ đùa nghịch, đi lại gần ao, hồ, sông hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng; cho trẻ mặc áo phao khi đi tắm biển, tắm sông và phải có ba mẹ, người lớn trông coi; giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn.

Một điều quan trọng nữa là mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.

ĐÔNG GIA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-phong-nan-duoi-nuoc-trong-mua-he-675061.html