Đề phòng lợi dụng làm đường để phá rừng

Liên quan đến việc mở đường trong rừng đặc dụng Tà Xùa - Sơn La, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN-PTNT) đã làm việc với PV về vấn đề này.

Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.

Ông Liên cho biết, rừng đặc dụng được chia làm 3 phân khu chức năng. Các phân khu đều được xây dựng các công trình, nhưng quy định rất khác nhau.

Thứ nhất là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, sinh thái rừng gần như được giữ nguyên trạng, cần phải khoanh vùng bảo vệ chặt chẽ. Phân khu này chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, ngầm, cáp trên không, trạm quan sát cảnh quan phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, kết hợp với du lịch sinh thái.

Đối với phân khu phục hồi sinh thái, đây là khu vực đã bị tác động bởi nạn chặt, phá rừng. Phân khu này buộc phải tác động lâm sinh, để khoanh nuôi phục hồi để chuyển sang nghiêm ngặt. Thậm chí, phải trồng thêm cây bản địa. Phân khu cũng được phép xây dựng các tuyến đường mòn nhưng không được vượt quá đường cấp 4 giao thông nông thôn miền núi (rộng không quá 4m). Ngoài ra, ở đây cũng được phép làm các trạm dừng chân, tuần tra bảo vệ rừng.

Phân khu thứ 3 trong rừng đặc dụng là dịch vụ hành chính. Đây là phân khu được xây dựng các công trình lớn như trụ sở làm việc. Việc xây dựng tại phân khu này dễ dàng hơn nhưng phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Trở lại câu chuyện làm đường trong rừng đặc dụng Tà Xùa tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, ông Liên cho biết, có thể đã nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Liên thông tin, trước khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (1/1/2019), việc tổ chức, quản lý rừng đặc dụng tuân thủ theo Nghị định 117 của Chính phủ. Việc UBND huyện Bắc Yên phê duyệt dự án vào tháng 1/2018 thì vẫn áp dụng theo Nghị định 117 và Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư rừng đặc dụng.

Sau nhiều năm trì hoãn, tuyến đường bê tông nối trung tâm xã Háng Đồng tới bản Háng Đồng C – Láng Sáng hiện đang được thi công. Đây là khu vực khó khăn, sâu xa nhất của xã Háng Đồng với 100% người Mông, tỷ lệ hộ nghèo gần 90%.

Theo đó, trong phân khu nghiêm ngặt, việc mở đường rộng không quá 1,5m. Nếu như huyện Bắc Yên đang cho làm đường bê tông rộng 1,5m thì vẫn tuân thủ quy định của Chính phủ. Điều quan trọng, trong quá trình thi công, phải đảm bảo là không chặt phá cây rừng. Còn nếu xây dựng theo phương án ban đầu, làm đường toàn tuyến rộng 2,5m, xâm phạm hơn 1.000 cây rừng thì chắc chắn vi phạm.

Ông Liên cho rằng, nếu như mục tiêu làm đường giao thông nông thôn kết hợp với tuần tra bảo vệ rừng thì rất tốt. Thậm chí là tuyến đường này có thể kết hợp phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự trên địa bàn.

Vị này cũng cho biết, hiện tại rừng đặc dụng nằm trên tỉnh nào thì địa phương đó quản lý. Tỉnh có thể giao lại cho các cơ quan chuyên ngành như Sở NN-PTNT hoặc Chi cục Kiểm lâm. Bộ NN-PTNT chỉ quản lý các khu rừng đặc dụng nằm trên nhiều tỉnh là 6 Vườn Quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên và Yok Đôn.

Đối với việc làm đường tại các rừng đặc dụng thuộc tỉnh quản lý, chính quyền cấp huyện chỉ cần UBND tỉnh đó cho phép là có thể thực hiện.

“Từ năm 2019, theo Luật Lâm nghiệp, muốn thực hiện các tuyến đường, bắt buộc các chủ rừng, ban quản lý phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trong 10 năm. Trong phương án sẽ phải làm rõ việc xây dựng đường tuần tra, phòng cháy chữa cháy. Nếu trong phương án phê duyệt không có đường, địa phương tự ý mở đường là vi phạm pháp luật”, ông Liên khẳng định.

Về quan điểm cá nhân, ông Liên cho rằng, đây là vùng sâu, nếu xây dựng chuẩn sẽ giúp người dân đỡ khó khăn thì hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng việc lợi dụng làm đường để phá rừng. Nếu có, việc này phải được ngăn chặn.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/de-phong-loi-dung-lam-duong-de-pha-rung-post247857.html