Để phế liệu không biến thành rác

Phế liệu là nguồn nguyên liệu quan trọng của một số ngành sản xuất như thép, giấy. Khai thác tốt nguồn nguyên liệu này sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho cả doanh nghiệp và môi trường. Nhưng ranh giới giữa nhập phế liệu và nhập rác cũng rất mong manh.

Thép là ngành sử dụng nhiều phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Thành Hoa

Theo Tổng cục Môi trường, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng nhiều rác thải cũng núp bóng phế liệu tràn vào và biến Việt Nam thành bãi rác máy móc, thiết bị lạc hậu cũng như những rác thải nguy hại cho môi trường.

Siết rác thải, doanh nghiệp nhập phế liệu kêu cứu

Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu, nhiều loại phế liệu đã tìm đường đổ vào Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu hơn 4,8 triệu tấn sắt, thép, nhựa, giấy phế liệu. Năm 2017 con số nhập khẩu phế liệu của các loại này đạt hơn 6,5 triệu tấn. Còn riêng sáu tháng đầu năm 2018, lượng sắt, thép, nhựa, giấy phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 4 triệu tấn.

Để siết chặt kiểm soát phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã đưa ra yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải được lấy mẫu để phân tích, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đồng thời, phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định tạm dừng cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu mới.

Việc đưa ra quy định nhằm ngăn chặn rác thải tràn vào Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, quyết định đó cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Đầu tháng 7-2018, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng điều chỉnh theo quy định mới của Tổng cục Hải quan, đồng thời còn kiến nghị áp dụng tỷ lệ tạp chất trong các lô hàng sắt thép vụn nhập khẩu là 3-4% thay vì 1% như hiện nay, vì rất khó tìm được sắt thép vụn có tỷ lệ tạp chất chỉ 1%.

Sau đó Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cũng gửi công văn lên Bộ Công Thương kiến nghị xem xét tháo gỡ khó khăn sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu lấy mẫu kiểm định phế liệu nhập khẩu.

Hai hiệp hội trên cho rằng yêu cầu lấy mẫu kiểm định khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc lấy mẫu và chờ kết quả giám định làm kéo dài thời gian thông quan, làm phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi, lưu tàu... Theo VPPA, từ ngày 26-6 đến ngày 10-7, chỉ riêng phí lưu container, ước thiệt hại của các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu giấy lên đến gần 30 tỉ đồng.

Theo ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký VPPA, Tổng cục Hải quan ban hành liên tiếp hai công văn (số 3438 ngày 18-6 và số 3738 ngày 26-6) trong khoảng thời gian rất ngắn, thời điểm có hiệu lực gần như ngay lập tức. Yêu cầu phế liệu phải lấy mẫu để phân tích nhưng không quy định cụ thể thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp.

“Chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này”, ông Sơn nói.

Tận dụng tốt, lợi cho cả doanh nghiệp và môi trường

Theo VPPA, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó có 50% được thu gom trong nước, còn lại là nhập khẩu. Tính trung bình, để sản xuất ra mỗi tấn giấy từ phế liệu sẽ tiết kiệm được 17 cây gỗ tiêu chuẩn cùng 1.500 lít dầu, 26,5 mét khối nước, 3,3 mét khối đất chôn lấp và giảm được 74% khí thải nhà kính...

Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, phế liệu thép là nguồn nguyên liệu đầu vào của 30% dây chuyền sản xuất thép trên thế giới. Mỗi năm các nước sản xuất hơn 400 triệu tấn thép từ nguồn phế liệu này.

Việc sử dụng phế liệu để sản xuất thép được xem là thân thiện với môi trường, vì không dùng nguyên liệu là quặng sắt thì không phải khai mỏ. Để khai thác được một tấn quặng sắt thì phải đào bới 5-7 tấn đất đá, phá nhiều héc ta rừng hoặc lớp đất mặt dùng cho trồng trọt. “Sản xuất thép từ phế liệu tiêu hao năng lượng chỉ bằng một phần năm so với dùng nguyên liệu quặng sắt. Khi sử dụng năng lượng ít hơn sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính CO2, giảm biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể khối lượng lớn tro xỉ, khí thải độc hại phát sinh trong quá trình tinh luyện quặng sắt”, ông Sưa nói.

Hiện một nửa số thép được sản xuất tại Việt Nam sử dụng phế liệu. Do nguồn thu gom trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40%, nên phải bổ sung bằng nguồn nhập khẩu. Năm 2017 Việt Nam đã nhập 4,4 triệu tấn thép phế. Dự tính năm 2018 sẽ nhập khoảng 5 triệu tấn.

Làm gì để ngăn chặn rác phế liệu đổ về Việt Nam

Chiều 25-7, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, truy đến cùng các container phế liệu nhập khẩu vô thừa nhận và cần khởi tố một số vụ nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe.

Ông Sơn, đại diện của VPPA, cho rằng: “Việc siết chặt quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu là cần thiết, không để các doanh nghiệp lợi dụng để nhập khẩu những chất thải nguy hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường”.

Tuy vậy, ông Sơn cho biết, Việt Nam là một nước xuất khẩu bao bì lớn. Trong khi đó, giấy để làm bao bì chủ yếu được làm từ giấy thu hồi nhập khẩu. Quy định hiện hành coi việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất như tất cả các loại phế liệu khác. Trong khi thế giới từ lâu đã sử dụng khái niệm giấy thu hồi và có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom và tái chế giấy.

“Ta nên nghiên cứu xem xét việc phân loại phế liệu giấy chung chung như hiện nay thành hai loại giống như quốc tế quy định: giấy thu hồi và giấy phế liệu, để đơn giản hơn cho quản lý cũng như cho doanh nghiệp”, ông Sơn kiến nghị.

Vẫn theo ông Sơn, trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có các điều khoản về việc khuyến khích thu gom, tái sử dụng và tái chế phế liệu (điều 6 khoản 3). Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Nếu làm tốt việc này sẽ giảm nhu cầu nhập từ nước ngoài, đồng thời cũng là biện pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đối với Việt Nam, vẫn cần phế liệu để tái chế, phục vụ hoạt động sản xuất. Tuy vậy, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường nên Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban thành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT quy định việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với đó là hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, chính sách quản lý về nhập khẩu phế liệu vẫn có kẽ hở, như chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Do đó, khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu từ bỏ nhận hàng vì nhiều lý do. Lúc đó cơ quan hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu.

“Cần một chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên”, theo Tổng cục Môi trường.

Để siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu, thời gian tới Tổng cục Môi trường sẽ tập trung rà soát lại các văn bản pháp luật như Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, rà soát lại danh mục nhập khẩu phế liệu...

Vân Oanh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276315/de-phe-lieu-khong-bien-thanh-rac-.html