Để phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững và đa dạng sinh học

Sáng 12-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Quyết định số 188/QĐ-TTg) và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam (Quyết định số 742-TTg).

Trong những năm gần đây, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Trong giai đoạn 2010-2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/ năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 6,1%/ năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng 4,38 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên thế giới (đứng sau Trung Quốc, Na Uy). Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, đặc biệt tạo việc làm cho 4 triệu lao động. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ cấp thiết không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ mà trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13-2-2012 phê duyệt Chương trình bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, góp phần phát triển kinh tế thủy sản, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển và nội đồng ( thủy sản nước ngọt) theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế.

Kết quả, Bộ NN&PTN đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các dự án về điều tra nguồn lợi thủy sản cửa sông, ven biển, đầm phá, thả 400 triệu con cá giống có giá trị kinh tế để tái tạo nguồn lợi. Từ năm 2010 đến nay đã điều tra, xác định và ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu tập trung sinh sản, khu vực thủy sản non tập trung sinh sống. Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khu bảo tồn biển đã được thiết lập và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả.

Nuôi cá trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học cao với 11.000 loài sinh vật được phát hiện (6.000 loài động vật đáy, 2.000 loài cá, trong đó có 100 loài cá có giá trị kinh tế; 231 hồ chứa lớn (diện tích 34.600 ha) với tổng số 3.265 loài sinh vật. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nếu chúng ta không nhận thức và có hành động đúng đắn về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bao gồm cả thủy sản trên biển và thủy sản nội đồng thì chúng ta không thể có được một ngành thủy sản phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta sẽ giảm cường lực khai thác thủy sản trên biển đồng thời tăng nuôi biển (nuôi trồng thủy sản) để vừa phát huy hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững và đa dạng sinh học.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/de-phat-trien-nganh-thuy-san-viet-nam-ben-vung-va-da-dang-sinh-hoc-646395