Để phát huy giá trị các làng, bản văn hóa dân tộc thiểu số

Quảng Ninh là nơi hội tụ văn hóa của nhiều dân tộc. Đây là điều kiện để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các bản, làng văn hóa dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, làm giàu đời sống tinh thần và vật chất cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là 'bài toán' không dễ giải.

Nhà sinh hoạt cộng đồng Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long).

Nhà sinh hoạt cộng đồng Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long).

Được hình thành cách đây gần 10 năm, Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long) là làng văn hóa dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và ngân sách địa phương đã giúp Khu bảo tồn hoàn thiện hạ tầng, gồm cổng chào, nhà sinh hoạt, nhà thờ, nhà bếp, sân vườn, tường rào và các công trình phụ trợ. Mục tiêu của địa phương là trong mỗi năm hoạt động của Khu sẽ dành kinh phí để sưu tầm, bổ sung hiện vật sản xuất, sinh hoạt và phục dựng, truyền dạy những nét đẹp văn hóa phi vật thể…

Sau Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả, từ năm 2015 đến nay hầu hết các địa phương trong tỉnh đã lên ý tưởng hình thành các bản, làng văn hóa dân tộc thiểu số của mình. Huyện Bình Liêu có bản văn hóa người Tày Đồng Thanh xã Hoành Mô; bản văn hóa người Tày Bản Cáu xã Tình Húc. Huyện Đầm Hà có làng văn hóa người Dao thôn Tầm Làng, xã Quảng An. Huyện Tiên Yên có làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ, làng văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng, làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, làng văn hóa dân tộc Dao xã Yên Than - Hà Lâu. Huyện Ba Chẽ có làng văn hóa dân tộc Dao Sơn Hải xã Nam Sơn. TP Móng Cái có làng văn hóa dân tộc thiểu số Pò Hèn. Huyện Vân Đồn có làng văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân. TP Uông Bí có làng văn hóa dân tộc Dao xã Thượng Yên Công. TX Đông Triều có làng văn hóa dân tộc thiểu số xã Tràng Lương...

Do nhiều hạng mục xuống cấp, nhiều hiện vật trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long) bị ảnh hưởng, phải mang đi nơi khác bảo quản.

Trong số đó, nhiều mô hình bản, làng văn hóa dân tộc thiểu số đã có đầu tư đáng kể. Huyện Bình Liêu đã dành 3 năm để xây dựng đề án, quy hoạch quỹ đất, vận động người dân thực hiện theo nội dung bản văn hóa dân tộc Tày Đồng Thanh, phục dựng một số giá trị văn hóa phi vật thể, đầu tư ban đầu công trình hạ tầng. Huyện Tiên Yên huy động được gần 3 tỷ đồng để khảo sát, xây dựng đề án, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, xây dựng công trình nhà văn hóa cộng đồng... cho làng văn hóa dân tộc Tày Phong Dụ. Huyện Đầm Hà mời gọi doanh nghiệp xây dựng dự án và đầu tư hạ tầng ban đầu cho làng văn hóa người Dao Tầm Làng, xã Quảng An. Huyện Ba Chẽ trong năm 2019 dành kinh phí xây dựng miếu Bàn Vương, tái hiện một số nghi lễ, khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, các hạng mục công trình thuộc khuôn khổ đề án làng văn hóa dân tộc Dao Sơn Hải...

Mặc dù nở rộ các mô hình bản, làng văn hóa dân tộc thiểu số, tuy nhiên đến nay số mô hình phát huy tác dụng chưa nhiều. Thậm chí Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả lâu nay rơi vào tình trạng xuống cấp, lãng phí đầu tư.

Hiện Khu bảo tồn này, hệ thống cửa chính, phụ, nhà sinh hoạt cộng đồng đều bị co, cong, hở lớn; một số cột, vì, kèo bị mối, mọt, mái ngói bị xô. Các công trình nhà thờ, bếp, kho, tình trạng mối mọt còn nặng hơn, hệ thống cột ngoài hiên bị nghiêng mạnh, nguy cơ đổ sập phần mái hiên bên trên, các tấm sạp để phục vụ hoạt động thờ cúng mục gẫy. Các công trình nhà vệ sinh không sử dụng được vì hư hỏng thiết bị bên trong và cắt nguồn nước.

Rất nhiều các cấu kiện gỗ tại Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y xã Bằng Cả bị mối mọt.

Trước tình trạng này, để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Bằng Cả đã phải làm hàng rào, cắm biển cảnh báo nguy hiểm; bên cạnh đó di chuyển các hiện vật có giá trị trưng bày tại nhà sinh hoạt cộng đồng về UBND xã để bảo quản. Anh Triệu Tiến Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cả, cho biết: Việc Khu bảo tồn xuống cấp, xã đã có nhiều văn bản báo cáo và đề xuất thành phố để có hướng xử lý, đồng thời cũng chủ động sửa chữa, bổ sung một số hạng mục nhỏ, tuy nhiên không cải thiện được bao nhiêu. Trước mắt, khu vực công trình nhà thờ, bếp, kho, nhà vệ sinh được tăng cường bảo vệ, không đưa vào sử dụng, khuyến cáo người dân, nhất là trẻ em không vào chơi, tránh xảy ra tai nạn.

Làng dân tộc thiểu số Tầm Làng, xã Quảng An (huyện Đầm Hà), hiện các công trình hạ tầng như sân bãi, nhà xưởng, nhà homstay... bỏ không, một số hư hỏng và mất vệ sinh. Công trình này do doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên trong quá trình triển khai do chưa hoàn thiện về thủ tục hành chính và vướng về mặt bằng, nên lâu nay đã ngừng thi công.

Bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, sau nhiều nỗ lực triển khai hiện nay đang dừng lại để chuyển hướng phát triển thành khu chế xuất gắn với quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn.

Để đảm bảo an toàn, xã Bằng Cả làm rào chắn, khuyến cáo người dân không vào gần công trình hư hỏng.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/de-phat-huy-gia-tri-cac-lang-ban-van-hoa-dan-toc-thieu-so-2487248/