Dễ phạm luật khi 'bóc phốt' nhau trên mạng xã hội

Những năm qua, trên các mạng xã hội (MXH) thường xảy ra tình trạng người dùng 'tố' nhau công khai (do xích mích, mâu thuẫn cá nhân), mượn tiếng nói của cộng đồng mạng để công kích người khác. Hành động này được cộng đồng mạng gọi là 'bóc phốt', kéo theo đó là những lời nói, hành động xúc phạm lẫn nhau, công khai đời tư, thông tin cá nhân...

Một bài viết “bóc phốt” về một cá nhân được đăng tải công khai tại nhiều nhóm trên Facebook.

Một bài viết “bóc phốt” về một cá nhân được đăng tải công khai tại nhiều nhóm trên Facebook.

Theo quy định của pháp luật, các hành vi “bóc phốt” nêu trên đã vô tình phạm luật, rất có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc nặng hơn là vu khống.

* “Cuộc chiến” không hồi kết

Hầu hết các bài “bóc phốt” nhau trên MXH đều đến từ những xích mích như: tranh cãi về quan điểm; cho rằng bị người khác chèn ép; phát hiện “người thứ ba” xen vào cuộc sống hôn nhân, quan hệ tình cảm; phản ảnh cách ứng xử, chất lượng phục vụ của một dịch vụ, sản phẩm nào đó... Các bài “bóc phốt” này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục.

Thậm chí, có những trang/nhóm MXH được lập ra để tập trung các bài đăng “bóc phốt” nhằm tăng lượt tương tác từ việc đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dùng MXH. Từ đó, với xuất phát điểm chỉ là chuyện giữa vài cá nhân đã trở thành sự quan tâm nhất thời của nhiều người, tạo ra áp lực rất lớn tập trung vào người bị “bóc phốt”.

Anh T.S., quản lý một quán cà phê tại Đồng Nai cho biết, năm 2019, có một số nhân viên không đồng tình với cách chấm lương, trả công của quán nên hùa nhau “bóc phốt” anh trên MXH. Quá bức xúc, anh T.S. cùng các nhân viên đã cãi nhau trên MXH qua việc bình luận dưới các bài đăng.

“Sau đó, nhiều người khác đã công kích vào tài khoản MXH cá nhân của tôi bằng cách bình luận trong các bài viết công khai với lời lẽ xúc phạm. Khi đó, tôi phải đóng tài khoản MXH trong một thời gian để tránh áp lực, đồng thời mời những nhân viên đó giải quyết trực tiếp. Để tránh căng thẳng, chúng tôi đã thống nhất gỡ bài đăng “bóc phốt” xuống. Rất may là không có xung đột xảy ra” - anh T.S. cho hay.

Không chỉ tập trung công kích cá nhân người bị “bóc phốt”, nhiều người đã tìm ra được địa chỉ nhà, số điện thoại di động, tài khoản MXH người thân, đồng nghiệp... và quay sang “tấn công” những người không liên quan này. Khi đó, người bị “bóc phốt” ban đầu không chỉ chịu sức ép từ cộng đồng mạng mà còn bị người thân, đồng nghiệp cho rằng đã cư xử không tốt.

Anh V.T. (quản trị viên một trang MXH có nhiều người theo dõi tại Đồng Nai) nhận định: “Nhiều người dùng MXH khi tham gia bình luận các bài viết “bóc phốt” thường có xu hướng thể hiện bản thân như một biểu tượng công lý, “kết tội” người bị “bóc phốt” rất nhanh, dù chỉ mới nghe từ một phía. Họ nhanh chóng lên tiếng bênh vực người mà họ cho là nạn nhân và công kích kịch liệt người bị “bóc phốt”. Những lời phản biện ít khi nào được để tâm mà lại bị vùi dập thêm lần nữa. Đáng lưu ý là nhiều bình luận đã sa đà vào việc xúc phạm người khác bằng những ngôn từ tục tĩu mà không bị kiểm soát”.

* Vi phạm nhiều điều, khoản

Luật sư Vy Thị Nhung, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, nếu dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên MXH (hướng tới một cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Tương tự, Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Quá trình “bóc phốt” trên MXH đều sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điểm 2, Khoản 2, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù. Hoặc tội vu khống theo Khoản 2, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù từ 1-3 năm.

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Đây là điều được quy định tại Khoản 1, Điều 21, Hiến pháp năm 2013. Do đó, hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà... đều được coi là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.

Khoản 2, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Theo đó, trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích “bóc phốt” trên MXH có thể sẽ bị xử lý theo Điểm e, Khoản 3, Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 20-30 triệu đồng cho hành vi: thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202011/de-pham-luat-khi-boc-phot-nhau-tren-mang-xa-hoi-3031944/