Để nông sản Việt vào thị trường khó tính

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Mặc dù vậy, nông sản Việt khi thâm nhập vào các thị trường khó tính nói trên vẫn gặp rất nhiều trở ngại.

Hạt điều nằm trong nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Hạn chế năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh thương hiệu, cùng với vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm…chính là những nút thắt khiến cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… gặp trở ngại.

Rào cản

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Mặc dù vậy, nông sản Việt khi bước chân sang các thị trường khó tính nói trên vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Đáng chú ý, thị trường Mỹ - một trong những thị trường tiềm năng nhất của nông sản xuất khẩu, hiện đang áp dụng nhiều quy định khắt khe cản trở nông sản thâm nhập thị trường này.

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng - cán bộ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), nguyên Tùy viên Thương mại Việt Nam tại Mỹ, hoạt động nhập khẩu các sản phẩm rau quả vào thị trường Mỹ đang chịu khá nhiều “vòng kìm kẹp” từ phía thị trường này, đó là hàng loạt các quy định và đạo luật khác nhau như Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA) và một số quy định khác. Mỗi chương trình, đạo luật lại có những quy định khắt khe riêng khiến cho nông sản Việt muốn chen chân vào gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, theo chương trình PPQ, sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Mỹ bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu thực vật, giấy phép bắt buộc đối với sinh vật và đất cũng như giấy phép thực vật và sản phẩm từ thực vật. Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào thị trường Mỹ sẽ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Doanh nghiệp cần có đủ “hành trang”

Hàng loạt những quy định khắt khe nói trên chính là rào cản lớn để các sản phẩm trái cây, hoa quả Việt có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện nay. “Quy định nhập khẩu của Mỹ hết sức phức tạp và chồng chéo. Trong khi đó, trình độ sản xuất ở tất cả các công đoạn sản xuất và chế biến rau quả của Việt Nam còn hạn chế. Sản phẩm của Việt Nam chưa tiếp cận được hệ thống phân phối trực tiếp cũng như phải cạnh tranh với xu hướng bảo hộ nông nghiệp gia tăng tại Mỹ là những yếu tố cản chân hàng hóa nông sản sang thị trường tiềm năng này” – ông Vượng phân tích.

Không những khó ở thị trường Mỹ, nông sản xuất khẩu còn gặp phải không ít rào cản tại những thị trường khó tính khác. Tại thị trường EU, rau củ quả bị rà soát, kiểm tra rất chặt chẽ bởi những quy định về an toàn thực phẩm, cùng với đó là nhà chức trách cũng gia tăng tần suất kiểm tra. Điều này đã và đang gây ra những bất lợi không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu…

Trước những rào cản đối với hàng hóa nông sản khi thâm nhập vào các thị trường khó tính, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN xuất khẩu nông sản phải luôn luôn nỗ lực vượt qua thách thức, chuẩn bị đủ “hành trang” như thực hiện các quy trình sản xuất theo chuỗi, VietGap để có thể vượt qua được những rào cản liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tận dụng cơ hội, lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.

Riêng đối với thị trường Mỹ - được coi là thị trường khó tính nhất, ông Vượng cho rằng, để vào thị trường này, các DN sẽ phải chịu chi phí tuân thủ tăng cao trong khi thiếu thông tin kịp thời và phương thức nuôi trồng cũng như thực tiễn sản xuất không thích hợp, chậm thay đổi. Do vậy, để nhóm các mặt hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm và đồ uống có thể thâm nhập vào Mỹ, sản phẩm xuất khẩu của DN phải được xử lý chiếu xạ; hoàn thành biểu mẫu số 203 và được thanh tra Mỹ xác nhận đã chiếu xạ tại thời điểm cập cảng. Bên cạnh đó, theo ông Vượng, sản phẩm xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và phải ghi rõ lô hàng đã được kiểm tra.

* Mặc dù đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản nhưng nông sản Việt khi bước chân sang các thị trường khó tính nói trên vẫn gặp rất nhiều trở ngại, chủ yếu do các quy định cực kỳ khắt khe mà giới chức trách ở các nước này áp dụng đối với nông sản nhập khẩu.

Nhật Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/de-nong-san-viet-vao-thi-truong-kho-tinh-tintuc420235