Để nông sản Việt bay xa hơn và cao hơn

Đến năm 2016 này, chúng ta đã thực hiện đường lối đổi mới được 30 năm với điểm khởi đầu là đổi mới về quản lý trong nông nghiệp. Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt đã có bước tiến dài và ngoạn mục về nhiều mặt, minh chứng cho điều đó là kết quả thu được từ xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Sau 3 năm thực hiện đường lối đổi mới, năm 1989 chúng ta bắt đầu tham gia thị trường quốc tế bằng việc xuất khẩu 300.000 tấn gạo (trước đó, mỗi năm chúng ta phải nhập 1 triệu tấn gạo - NV) thì nay đã đạt mức xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn, đứng hàng đầu thế giới. Ngoài gạo, hiện chúng ta có 9 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (càphê, hồ tiêu, điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và đồ gỗ). Điều đó cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong nâng cao năng suất, tìm kiếm thị trường của cả Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và các cơ quan khoa học, nhất là cơ quan khoa học nông nghiệp.

Cơ hội tăng mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu nông sản đang tiếp tục rộng mở bởi từ năm 2016 này, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức vận hành. Theo đó, tiềm năng khí hậu nhiệt đới gió mùa với miền Bắc có mùa đông lạnh sẽ là lợi thế, vũ khí đặc biệt, nếu biết tận dụng với việc hạ thuế, thậm chí nhiều sản phẩm không còn phải chịu thuế. Đây là lợi ích lớn đối với sản xuất nông nghiệp, và là cơ hội để vừa nâng cao giá trị ngành, vừa nâng cao thu nhập cho nhà nông, bộ phận lao động chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập lâu nay.

Thế nhưng, các nước sẽ lập hàng rào phi thuế quan nhằm cản trở đối với hoạt động nhập khẩu. Hàng rào phi thuế quan rất phong phú, đa dạng, gồm: các biện pháp hạn chế định lượng (đặt ra mức nhập khẩu cho một số loại hàng hóa trong một thời kỳ nhất định), các biện pháp quản lý hành chính (sử dụng giấy phép), các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, trợ cấp và đối kháng,…), các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật như: tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ,…

Trong những rào cản đó, hàng rào về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ có vẻ như là những barie khó vượt qua đối với nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ của ta.

Để tận dụng hiệu quả cao cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, rất cần chính sách mới về tích tụ đất đai, cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mở rộng đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu của kinh tế đất nước - sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thanh Hiền

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-nong-san-viet-bay-xa-hon-va-cao-hon-post1978.html